Việt Nam chủ động ứng phó COVID-19

Người dân rửa tay bên cổng Trung tâm Y tế huyện Đông Hòa. Ảnh: YÊN LAN

Song song với việc tăng cường giám sát nhằm phòng ngừa lây lan và kiểm soát nhiễm khuẩn, đẩy mạnh truyền thông, ngành Y tế Việt Nam đã quản lý và xử trí tốt các ca viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) tại cơ sở y tế, tăng cường xét nghiệm… Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá Việt Nam đã xử lý COVID-19 rất tốt.

Trong điều trị, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp tính do chủng vi rút Corona mới. Theo hướng dẫn, thời gian ủ bệnh kể từ khi nhiễm vi rút cho đến khi có triệu chứng đầu tiên trong khoảng 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Triệu chứng lâm sàng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số người có cảm giác đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Hầu hết người bệnh chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và tự hồi phục sau khoảng một tuần. Một số trường hợp có thể viêm phổi, viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan dẫn đến tử vong. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày. Người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo có nguy cơ tử vong cao hơn những người khác.

Trong hướng dẫn, Bộ Y tế lưu ý phân biệt viêm đường hô hấp cấp do nCoV với viêm đường hô hấp cấp do các tác nhân hay gặp khác, bao gồm cả các tác nhân gây dịch bệnh nặng đã biết, như vi rút cúm mùa (A/H3N2, A/H1N1, B), vi rút á cúm, vi rút hợp bào hô hấp (RSV)… Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thuận (Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy), triệu chứng của cúm mùa hay cúm do nCoV không có nhiều khác biệt. Thống kê cho thấy người nhiễm nCoV thường có 3 triệu chứng: sốt, ho và nếu nặng hơn thì xuất hiện triệu chứng khó thở. Còn cảm giác mệt mỏi, uể oải thì đa số người nhiễm loại siêu vi nào cũng có những triệu chứng đó. Vì vậy, bên cạnh triệu chứng lâm sàng cần quan tâm đến yếu tố dịch tễ, nếu có yếu tố dịch tễ thì mới nghĩ đến COVID-19.

Các ca bệnh nghi ngờ hoặc ca bệnh có thể cần được khám, theo dõi và cách ly ở khu vực riêng tại các cơ sở y tế, lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán xác định. Các ca bệnh xác định cần được theo dõi và điều trị cách ly hoàn toàn. Do chưa có thuốc đặc hiệu nên điều trị bệnh do nCoV chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng, đồng thời theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng.

Sau khi hết sốt ít nhất 3 ngày, các triệu chứng lâm sàng được cải thiện, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, chức năng các cơ quan bình thường, xét nghiệm máu trở về bình thường, X-quang phổi đã cải thiện, người bệnh được lấy hai mẫu bệnh phẩm (lấy cách nhau ít nhất một ngày) xét nghiệm. Nếu kết quả âm tính với nCoV, bệnh nhân được xuất viện. Tuy nhiên, họ cần được theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần mỗi ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38°C ở 2 lần đo liên tiếp hoặc có các dấu hiệu bất thường khác thì phải đến cơ sở y tế khám lại ngay.

Để phòng chống COVID-19, ngoài việc mang khẩu trang đúng cách khi đến nơi đông người, một trong những biện pháp hữu hiệu là rửa tay nhiều lần trong ngày và rửa đúng cách. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), rửa tay với xà phòng và nước sạch là tốt nhất, bất đắc dĩ mới rửa tay khô hay rửa tay nhanh. Bởi để rửa sạch bàn tay bằng dung dịch rửa tay nhanh thì khó hơn rất nhiều, đó là chưa kể chúng ta không biết được chất lượng sản phẩm rửa tay nhanh.

Trong mùa dịch, người dân cần tăng sức đề kháng của cơ thể bằng cách ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn, ăn nhiều rau và trái cây tươi, đặc biệt là các loại trái cây giàu vitamin A, vitamin C như thanh long, dưa hấu… và uống đủ nước.

Đến 17 giờ ngày 16/2, thế giới ghi nhận 69.276 người mắc COVID-19, 1.669 người tử vong, trong đó lục địa Trung Quốc: 1.665 người tử vong, Philippines: 1 người tử vong, Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong, Nhật Bản: 1 người tử vong, Pháp: 1 người tử vong.

Việt Nam ghi nhận 16 người mắc COVID-19, gồm: 2 cha con người Trung Quốc (đều đã khỏi và xuất viện), 6 người Việt Nam trở về từ Vũ Hán (4 người đã khỏi và xuất viện), 6 người Việt Nam có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 (1 người đã khỏi và xuất viện), 1 người Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, 1 bệnh nhi 3 tháng tuổi có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/417/235082/viet-nam-chu-dong-ung-pho-covid-19.html