Việt Nam chưa tận dụng hết nguồn huyết tương tự nhiên quý giá

Mỗi năm Việt Nam tiếp nhận được khoảng hơn 1,5 triệu đơn vị máu, tức là có khả năng phân đoạn được hơn 450.000 lít huyết tương, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh thay vì phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Sản phẩm huyết tương. (Nguồn: Trung tâm Huyết học Stanford)

Sản phẩm huyết tương. (Nguồn: Trung tâm Huyết học Stanford)

Việt Nam vẫn phải nhập khẩu sản phẩm phân đoạn huyết tương (PDMP - Plasma Fractionation Derived Medicinal Products) với giá đắt đỏ.

Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm này với giá trị 56,62 triệu USD và dự kiến năm 2027 sẽ tăng lên khoảng 79,03 triệu USD.

Đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng với một nước có gần 100 triệu dân vào những năm tới và hiện tại có tới 1.332 bệnh viện với tổng số 214.270 giường bệnh (cả bệnh viện công và tư).

Hằng năm, nguồn huyết tuơng (Plasma) có từ gần 2 triệu đơn vị máu thu được từ người hiến máu tình nguyện vẫn chưa được tận dụng hết do chưa đủ công nghệ hoặc tận dụng hết phân đoạn các chất này.

Nhu cầu sử dụng rất lớn

Theo tài liệu quốc tế, năm 2010, toàn thế giới đã sử dụng 32,5 triệu lít huyết tương (Plasma), năm 2019 là 57,5 triệu lít huyết tương và dự kiến năm 2026 sẽ là 93,2 triệu lít huyết tương để sản xuất các sản phẩm phân đoạn huyết tương (PDMP).

Hiện nay, với công nghệ hiện đại, thế giới đã phân đoạn được khoảng 20 protein có trong huyết tương để sử dung trong công tác điều trị bệnh nhân.

Việc tận dụng nguồn huyết tương - nguồn nguyên liệu tự nhiên không thể thay thế này - sẽ giúp các quốc gia có thể tận dụng tối đa tác dụng của huyết tương và tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị bệnh.

Nếu chỉ thương mại đơn thuần, 1 lít huyết tương khi phân đoạn ra các sản phẩm (PDMP) giá trị khoảng 696 USD (thời điểm 2019). Nhà máy nhà máy phân đoạn huyết tương cỡ trung bình có khả năng phân đoạn 35 tấn huyết tương trong 1 tuần và hoạt động 46 tuần theo chu trình sản xuất thì sẽ thu được 1,12 tỷ USD mỗi năm.

Việt Nam đang sử dụng phổ biến khoảng 5 thành phần tách chiết từ huyết tương như Albumin 5% và 20% sử dụng trong điều trị bù thể tích tuần hoàn, bỏng và các bệnh lý trao đổi huyết tương.

Immunoglobulin sử dụng điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu, các bệnh tan máu bẩm sinh, suy giảm miễn dịch,… Factor VIII điều trị Hemophia A thiếu yếu tố VIII (hiện nay Việt Nam có khoảng 6.000 người mắc bệnh này). Còn các thành phần Factor IX và Alpha 1-AT cũng đang được sử dụng nhiều trong điều trị bệnh.

Với công nghệ hiện nay, trong quá trình phân đoạn, các sản phẩm chiết tách này được xử lý bằng hóa chất, độ pH khác nhau, sắc lý và filter lọc nano có thể loại bỏ tối đa các loại vi khuẩn, virus có trong các thành phần huyết tương như: viêm gan A, B, C, HIV,… cho ra những sản phẩm an toàn tuyệt đối (khi tuyển chọn người hiến máu và các thành phần máu cũng như Plasma đã được xét nghiệm sàng lọc với kỹ thuật hiện đại tiên tiến hiện nay P CR-RT, NAT).

Với 10.000 lít máu toàn phần sau khi được tách ra các thành phần máu sẽ thu được khoảng 4.500 lít huyết tương thu hồi có thể phục vụ cho việc tách chiết phân đoạn tiếp theo.

Tại Việt Nam, hiện tại tiếp nhận được khoảng hơn 1,5 triệu đơn vị máu/năm, tức là có thể thu được hơn 450.000 lít huyết tương/năm.

Hoạt động hiến máu tình nguyện ưởng ứng Tuần lễ hồng. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Hoạt động hiến máu tình nguyện ưởng ứng Tuần lễ hồng. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Tuy nhiên, nguồn huyết tương sau khi tách từ máu toàn phần hiện còn đang sử dụng ở dạng thô, như huyết tương đông lạnh (FP) hay huyết tương tươi đông lạnh (FFP) để truyền cho người bệnh trong điều trị một số bệnh.

Việc tận dụng này chưa triệt để, thậm chí phải bỏ đi nếu không sử dụng hết. Đây là một sự lãng phí lớn.

Theo bác sỹ Nguyễn Chí Tuyển - nguyên Phó viện Trưởng viện viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Phó Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, nếu thực hiện được phân đoạn huyết tương, trước mắt là tách được một số yếu tố đang được sử dụng nhiều nhất như: Albumin, Immunoglobulin, Factor VIII, Factor IX, Alpha 1-AT từ huyết tương thì sẽ giảm được nhiều tỷ đồng mỗi năm cho việc nhập các sản phẩm này từ nước ngoài.

Chủ động công nghệ để tránh lãng phí

Với nhu cầu rất lớn như trên, Việt Nam rất cần có một nhà máy áp dụng công nghệ phân đoạn huyết tương để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tự nhiên vô cùng quý giá này cho ra các sản phẩm phục vụ điều trị bệnh.

Hiện nay, trên thế giới có 78 nhà máy phân đoạn huyết tương: Châu Âu có 26 nhà máy, con số này ở Bắc Mỹ là 8, châu Á là 35 trong đó 25 nhà máy là của Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á hầu như chưa có nhà máy nào.

Đối với Việt Nam rất cần nghiên cứu để đầu tư cho lĩnh vực phân đoạn huyết tương. Trước mắt, Bộ Y tế, ngành Huyết học-Truyền máu Việt Nam cần sớm củng cố và phát triển các Trung tâm máu trong cả nước đạt chuẩn WHO-GMP.

Đặc biệt, Việt Nam với số dân gần 100 triệu người, số bệnh viện lớn, nếu tự sản xuất được có thể giảm chi phí điều trị, chi phí nhập khẩu, bên cạnh đó còn chủ động được nguồn cung cấp, thuận lợi cho người bệnh, thầy thuốc có sẵn sản phẩm dùng, kịp thời cho công tác điều trị bệnh./.

Nguyễn Chí Tuyển (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-chua-tan-dung-het-nguon-huyet-tuong-tu-nhien-quy-gia/834698.vnp