Việt Nam có cần chính sách khuyến sinh?

Dân số hiểu một cách đơn giản nhất theo khoa học là về 3 chuyện: sinh, tử và di dân. Trong đó sinh hay không sinh, sinh nhiều hay ít, sinh thưa hay dày, sinh nhiều con trai hay con gái… đều tác động đến sự phát triển.

Đã qua một thời được gọi là “nhân mãn” hay “bùng nổ dân số”, tức là dân số nhân loại nói chung và từng quốc gia nói riêng tăng quá nhanh, thậm chí có nơi xuất hiện lý thuyết cho rằng: "phải có chiến tranh để cân bằng dân số".

Thế nhưng cho đến lúc này, hầu hết các quốc gia, các TP lớn trên thế giới đều rơi vào tình trạng dân số giảm, tức do người dân không muốn kết hôn, không muốn sinh con, và nếu sinh chỉ sinh “con một”.

Như đã biết, một xã hội muốn cân bằng về dân số thì tổng tỷ suất sinh là 2,1 con, hay còn gọi là mức sinh thay thế, có nghĩa 2 vợ chồng chết đi sẽ có 2 con thay thế. Nhưng hiện nay, tỷ suất sinh này của các nước châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á, và Đông Nam Á đang giảm nhanh.

Đơn cử, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc năm 2022 chỉ còn 0,81 con, tại Singapore là 0,97 con, riêng tại Nhật Bản vào năm 2023 là 1,2 con (tương đương 770.000 trẻ em được sinh ra, nhưng số ca tử vong tăng 9% lên mức cao chưa từng thấy với 1,57 triệu người).

Theo các nghiên cứu khoa học, quốc gia có tỷ lệ sinh quá thấp sẽ đưa đến những hệ quả rất tiêu cực về tất cả các lĩnh vực. Chẳng hạn đến một thời điểm dân số sẽ nhanh chóng già hóa, trẻ em nhiều hơn người già, đất nước không có sức sống; thiếu lực lượng lao động, thiếu thanh niên trai tráng khi cần huy động một nguồn lực lớn như chiến tranh; năng suất lao động thấp, phải nhập khẩu lao động từ nước ngoài, cơ cấu xã hội trở nên lỏng lẻo; người già nhiều hơn dẫn đến hệ thống an sinh xã hội chịu gánh nặng…

Trước tình hình đó, hầu hết các quốc gia phát triển đều xây dựng một hệ thống khuyến sinh, bao gồm nhiều chính sách và giải pháp khác nhau, nhằm mục đích khuyến khích người trẻ kết hôn, sinh con và sinh đủ 2 con.

Gọi là hệ thống khuyến sinh có nghĩa là nhà nước đưa ra nhiều giải pháp, những giải pháp này liên thông và hỗ trợ nhau, bao gồm 3 lĩnh vực: Thứ nhất, tuyên truyền, vận động, khuyến khích, động viên, khen thưởng. Thứ hai, hỗ trợ kinh tế, tài chính. Thứ ba, hỗ trợ thông qua an sinh xã hội. Trong đó giải pháp kinh tế được đề cao nhất.

Chẳng hạn năm 2024 tại Hàn Quốc, mỗi phụ nữ sinh con sẽ nhận được 2 triệu won (tương đương 35 triệu đồng), và mỗi tháng được 300.000 won (tương đương 5,5 triệu đồng). Tương tự, phụ nữ Nhật Bản sẽ nhận được 100.000 yen (gần 21 triệu đồng) cho đứa con thứ nhất, 150.000 yen (gần 31 triệu đồng) cho đứa con thứ hai, và 400.000 yen (khoảng 82,5 triệu đồng) cho đứa con thứ ba.

Ngoài ra, Nhật Bản còn có một loạt các giải pháp khác như: hỗ trợ nhà ở, nếu chưa có chỗ ở thì được mua nhà; miễn phí khám, chữa bệnh cho mẹ và con trong khoảng thời gian 5-7 năm; tặng gói các vật dụng liên quan đến trẻ sơ sinh; miễn học phí; miễn giảm một số loại thuế, phí. Một số quốc gia kéo dài thời gian nghỉ sau sinh cho vợ và cho cả chồng, thậm chí ông chồng có thể nghỉ 3-6 tháng mà vẫn được hưởng lương chỉ ở nhà chăm vợ.

Quay trở lại với Việt Nam, mức sinh của Việt Nam chưa đến mức báo động vì nó vẫn gần 2 con, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy mức sinh bắt đầu giảm. Hiện có 21 tỉnh, thành có mức sinh dưới 1,92 con, trong đó có 9 tỉnh, thành có mức sinh rất thấp dưới 1,6 con.

Đáng chú ý là TPHCM, có mức sinh thấp nhất cả nước 1,32 con và có xu hướng tiếp tục giảm. Qua các cuộc nghiên cứu và phỏng vấn, có thể chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến việc người trẻ không muốn kết hôn và sinh con.

Đó là kinh tế không ổn định, việc làm không có, thu nhập thấp, công việc bấp bênh; không có chỗ ở hoặc có chỗ ở nhưng chưa gọi là an cư; không muốn sinh thêm vì nuôi con quá vất vả, tốn kém; thiếu nhà trẻ, trường học, nhất là điều kiện giáo dục, học hành cho con công nhân ở các khu công nghiệp. Ngoài ra còn phải kể đến những yếu tố mang tính hiện đại, như ảnh hưởng đến việc học hành, thăng tiến; ảnh hưởng đến sức khỏe, sắc đẹp và tự do cá nhân.

Thực ra cho đến nay Việt Nam đã có chính sách khuyến sinh nhưng chưa đầy đủ và hệ thống, chính xác là chỉ mới có 2 quyết định về khuyến sinh. Đầu tiên là Quyết định 588/QĐ-TTg năm 2020 về “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”.

Kế đến là Thông tư 01//TT-BYT năm 2021 của Bộ Y tế về khuyến sinh. Thế nhưng, cả 2 quyết định này chủ yếu mang tính chất tuyên truyền, vận động, chứ không thiên về vật chất như thưởng tiền hay ưu đãi về nhà cửa. Chẳng hạn, nếu một xã có 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh và sinh đủ 2 con, được đề xuất UBND huyện khen thưởng, kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

Vậy nhưng, hiện theo quy định UBND huyện chỉ có tặng giấy khen và một số tiền tượng trưng. Hiện nay cũng có một số tỉnh, thành có mức sinh thấp bắt đầu có tính đến chuyện thưởng tiền mặt, nhưng số tiền không quá 1 triệu đồng.

Một câu hỏi đặt ra là Việt Nam có cần thiết phải xây dựng hệ thống chính sách khuyến sinh như các nước không? Câu trả lời là có và càng sớm càng tốt, bởi xu hướng già hóa dân số, mức sinh giảm là xu hướng chung.

Do vậy, việc xây dựng một chính sách đón đầu là cần thiết, nếu không sẽ rơi vào tình trạng bị động “nước đến chân mới nhảy”. Nhưng không vì thế mà đưa ra những chính sách vội vàng, không phù hợp với thực tiễn.

Lấy dẫn chứng từ câu chuyện của TPHCM, một trong những địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước, nhưng dân số TPHCM sẽ “không bao giờ già”. Bởi TPHCM vốn dĩ là TP mở với dòng người nhập cư liên tục chảy vào. Sài Gòn - TPHCM luôn mãi tươi trẻ và năng động.

Việt Nam chưa đến mức báo động vì nó vẫn gần 2 con, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy mức sinh bắt đầu giảm. Hiện có 21 tỉnh, thành có mức sinh dưới 1,92 con, trong đó có 9 tỉnh, thành có mức sinh rất thấp dưới 1,6 con. Tuy nhiên, cần thiết phải xây dựng hệ thống chính sách khuyến sinh càng sớm càng tốt, bởi xu hướng già hóa dân số, mức sinh giảm là xu hướng chung.

TS. Nguyễn Minh Hòa

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/viet-nam-co-can-chinh-sach-khuyen-sinh-post115485.html