Việt Nam có cơ hội lớn trở thành quốc gia tiên phong trong chuyển đổi xanh và bền vững

Theo các chuyên gia, Việt Nam có cơ hội lớn trở thành quốc gia tiên phong trong quá trình chuyển đổi cần thiết theo hướng bền vững, đặc biệt là những tham vọng của Chính phủ về mục tiêu đưa lượng rác thải ròng bằng '0'.

“Hành tinh khỏe mạnh cho sự thịnh vượng của tất cả mọi người”

Mới đây, Lễ khởi động Chuỗi tham vấn quốc gia tại Việt Nam - Hướng tới Stockholm+50 đã được tổ chức dưới sự phối hợp của Đại sứ quán Thụy Điển, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Theo đó, sự kiện bao gồm một chuỗi hoạt động trên toàn quốc cho đến tháng 6/2022 nhằm đưa ý kiến của người dân Việt Nam tới hội nghị toàn cầu về những thách thức mà con người và hành tinh đang phải đối mặt.

Hướng tới hội nghị, hàng loạt các hoạt động được triển khai rộng khắp trên toàn thế giới để thu thập ý kiến người dân. Việt Nam là một trong 58 nước tổ chức tham vấn quốc gia với các bên liên quan để cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận diễn ra tại hội nghị cấp cao toàn cầu. UNDP cùng với các đối tác sẽ triển khai một loạt các cuộc tham vấn quốc gia trực tiếp tại Việt Nam.

Việt Nam có cơ hội lớn trở thành quốc gia tiên phong trong quá trình chuyển đổi cần thiết theo hướng bền vững.

Năm 1972, lãnh đạo từ 113 quốc gia đã tụ họp tại Stockholm, Thụy Điển để tham dự Hội nghị lần đầu tiên của Liên hợp quốc về Môi trường và Con người và đi đến kết luận rằng các hoạt động của con người là yếu tố chính quyết định tương lai của chúng ta. Giờ đây, 50 năm sau Hội nghị Stockholm đầu tiên, thế giới đang phải đối mặt với ba cuộc khủng hoảng toàn cầu bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học, bên cạnh các vấn đề nhức nhối khác, bao gồm cả đại dịch Covid-19.

Năm 2022, đánh dấu 50 năm kể từ Hội nghị lần đầu tiên của Liên Hợp Quốc về Môi trường và Con người, diễn ra tại Stockholm, Thụy Điển. Trước những thách thức toàn cầu hiện nay liên quan tới biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định tổ chức một cuộc họp cấp cao: “Stockholm+50: Một hành tinh khỏe mạnh cho sự thịnh vượng của tất cả mọi người - trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta”.

Hội nghị để xác định những hành động cấp bách và cụ thể mà con người cần triển khai để bảo vệ hành tinh, xây dựng một nền tảng lâu dài và bền vững, vì một tương lai xanh và toàn diện. Hội nghị do Chính phủ Thụy Điển chủ trì tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển, vào ngày 2 và 3/6/2022.

Phát biểu tại lễ khởi động, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe, Hội nghị Stockholm+50 hướng tới đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và bền vững cần thiết. Trong đó, tập trung vào 3 chủ đề chính: Nhu cầu cấp bách hành động để đảm bảo mục tiêu hành tinh khỏe mạnh; Làm thế nào để phục hồi bền vững sau đại dịch; Làm thế nào thúc đẩy lồng ghép các khía cạnh bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển bền vững.

“Thời gian không còn nhiều và những thách thức toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt cần được giải quyết bằng một nỗ lực tập thể và hành động của tất cả mọi người” – Đại sứ Ann Måwe nhấn mạnh và nhắc lại lời của cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme: “‘Tương lai là của chung. Chúng ta phải chia sẻ cùng nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau tạo ra tương lai”.

Tại hội thảo, một số mục tiêu được đặt ra bao gồm: Làm thế nào để đạt một được hành tinh khỏe mạnh vì sự thịnh vượng của tất cả mọi người? Làm thế nào để tạo điều kiện phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid 19… Trong đó, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe cũng nhấn mạnh về việc Việt Nam có cơ hội lớn trở thành quốc gia tiên phong trong quá trình chuyển đổi cần thiết theo hướng bền vững, đặc biệt là những tham vọng của Chính phủ về mục tiêu đưa lượng rác thải ròng bằng 0, và Hội nghị Stockholm là một trong những dấu mốc quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và bền vững cần thiết.

Nỗ lực vì mục tiêu khí hậu toàn cầu

Tại Việt Nam, UNDP cùng với các đối tác sẽ triển khai một loạt các cuộc tham vấn quốc gia trực tiếp với nhiều đối tượng khác nhau. Đây sẽ là nền tảng quan trọng nhằm kết nối sáng kiến, hành động cấp toàn cầu để thúc đẩy các hành động bảo vệ hành tinh. Các cuộc tham vấn quốc gia sẽ xác định các lĩnh vực quan trọng đối với dịch chuyển khí hậu công bằng tại Việt Nam nhằm đạt được các cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng tại COP26 đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Cũng chia sẻ tại sự kiện, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường khẳng định thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát thải ròng bằng “0”.

Trong đó, theo báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC, Việt Nam sẽ giảm phát thải 9% vào 2030 và tăng lên đến 27% nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế. Cam kết này đã được nâng lên rất nhiều với Net Zero vào năm 2050. COP 26 đã đặt ra nhiều vấn đề Việt Nam cần thực hiện và thế giới cần hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu này.

Được biết, những khuyến nghị từ các cuộc tham vấn sẽ được tổng hợp thành báo cáo của Việt Nam và góp phần định hình các thông điệp cho hội nghị toàn cầu Stockholm+50 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà chúng ta đang phải đối mặt.

Nhìn nhận về vấn đề này, bà Caitlin Wiesen cho rằng có ba thông điệp rất quan trọng và đây cũng sẽ là chủ đề trọng tâm của ba cuộc tham vấn quốc gia của UNDP ở Việt Nam.

Thứ nhất là các giải pháp dựa vào tự nhiên. Hiện nay, Việt Nam là một trong 16 nước giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Vì vậy, trong quá trình phát triển, điều cần nhấn mạnh là phải bảo tồn môi trường và sử dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên được tích hợp vào tăng trưởng.

Thứ hai là xem xét một quá trình chuyển đổi năng lượng vừa bao trùm, vừa xanh. Đây là thông điệp chính cần phát đi từ Việt Nam ra thế giới. Theo Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, tăng trưởng năng lượng tái tạo ở Việt Nam khá ấn tượng, cả về năng lượng mặt trời và gió. Quá trình này đã diễn ra trước đây và nay cần phải được tăng cường để các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tái tạo có thể trở thành nguồn đóng góp chính cho tăng trưởng năng lượng ở Việt Nam.

Hiện nay, đóng góp phần lớn cho tăng trưởng năng lượng vẫn từ nguồn than, và than cần phải được loại bỏ dần dần. Tuy nhiên, việc loại bỏ than đá cần phải được tiến hành phù hợp với tiến trình mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Điều này sẽ đòi hỏi một số cải cách, mở rộng đối với lưới điện quốc gia và EVN.

Lĩnh vực thứ ba là vấn đề xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia gây ô nhiễm nhựa, và ô nhiễm nhựa hàng đầu trên thế giới. Việt Nam cũng như các nước khác, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ nhựa đã qua sử dụng được tái sử dụng.

Vì vậy, trong khi đánh giá cao các giải pháp về sử dụng nhựa dùng một lần, cần phải có một cách tiếp cận tích hợp và chặt chẽ hơn đối với nền kinh tế tuần hoàn, thay đổi suy nghĩ của mọi người về cách sử dụng nhựa đã qua sử dụng, theo đó chúng được tái sinh và có thị trường thứ cấp để có thể được tái sử dụng.

Lan Anh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-co-co-hoi-lon-tro-thanh-quoc-gia-tien-phong-trong-chuyen-doi-xanh-va-ben-vung-66105.html