Việt Nam có dịch vụ chuyển tiền qua blockchain
Một giao dịch thương mại điện tử trên blockchain có thể chỉ mất 0,1% phí hoặc thấp hơn
Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và 3 ngân hàng (NH) gồm NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), NH TMCP Quốc tế (VIB) và NH TMCP Tiên Phong (TPBank) đã thử nghiệm mô hình chuyển tiền trên blockchain.
Mục tiêu khi làm thử nghiệm là đánh giá tính khả thi, hiệu quả thực tế khi áp dụng công nghệ, xác định ảnh hưởng hệ thống đến hạ tầng trung tâm như NAPAS. Trong cuộc thử nghiệm này, bài toán mà NAPAS đặt ra là làm sao để bảo đảm giữ được vai trò của NH Nhà nước như kiểm soát giao dịch, quản trị rủi ro, phòng chống rửa tiền, quyết toán giao dịch liên NH… khi áp dụng blockchain. Cùng với công nghệ blockchain, các NH còn dùng chung điện toán đám mây. Kết quả sau 4 tuần, hạ tầng mới thử nghiệm đã hoàn thiện với các nghiệp vụ chính xử lý giao dịch, đối soát, tra soát tức thời đều đã được thực hiện.
Đại diện NAPAS cho biết sử dụng công nghệ blockchain trong giao dịch NH sẽ giúp tăng cường tính minh bạch khi giao dịch giữa người mua và người bán được ghi nhận trong một sổ cái mở và có thể được truy vết bất cứ lúc nào. Bằng chứng của các giao dịch điện tử này có thể được sử dụng để thay thế các chứng từ nộp tiền đang được sử dụng trong các dịch vụ công.
Đồng thời, ứng dụng blockchain trong giao dịch NH giúp giảm chi phí, giảm rủi ro khi các quy trình thanh toán được đơn giản tối đa; các giao dịch có độ bảo mật cao giúp giảm thiểu rủi ro và gian lận. "Việc giảm phí tới mức thấp nhất cho phép mở rộng dịch vụ tài chính đến nhiều đối tượng khách hàng và đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ hơn, hướng tới mục tiêu tài chính toàn diện" - đại diện NAPAS nhận xét. Hiện trung bình một giao dịch thương mại điện tử đang tốn khoảng 1%-2% phí, trong khi trên blockchain có thể chỉ mất 0,1% phí hoặc mức thấp hơn.
Ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối công nghệ VIB, nhận định thành công của thử nghiệm chứng tỏ VIB nói riêng, ngành NH Việt Nam nói chung có đủ khả năng làm chủ công nghệ mới. Cùng với sự dẫn dắt của các cơ quan quản lý trong tương lai gần sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, chất lượng dịch vụ và tiện ích cho người dùng.
Để mở rộng hơn công nghệ blockchain trong các hoạt động giao dịch NH, theo lãnh đạo VIB, cần có sự chuẩn bị kỹ càng, đồng bộ, tập trung từ cơ quan quản lý nhà nước cho tới các NH thương mại. Ngoài ra, blockchain sẽ thay đổi mạnh quy trình, thói quen của toàn bộ hệ thống. Vì thế, vấn đề con người là một trong những yếu tố quyết định thành công. "Hiện các công nghệ như blockchain còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam. Nhưng có thể trong 5 năm nữa, diện mạo của ngành NH Việt Nam sẽ thay đổi khi những công nghệ này được ứng dụng phổ biến. Chẳng hạn như công nghệ blockchain sẽ giúp các NH xác thực các giao dịch một cách nhanh chóng với chi phí thấp hơn, bảo mật hơn, giảm những thao tác lặp đi lặp lại do con người vận hành…" - ông Minh nói.
Đại diện NAPAS cho biết trong kế hoạch phát triển sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các NH thương mại để mở rộng phạm vi lẫn quy mô thử nghiệm với các dịch vụ thanh toán điện tử khác, không chỉ là giao dịch chuyển tiền. Đồng thời, triển khai thêm các quy luật giám sát và cảnh báo trên những hợp đồng thông minh nhằm giúp các giao dịch điện tử thêm an toàn và thuận lợi.