Việt Nam có gì trên bàn đàm phán thuế quan với Mỹ
Chỉ khi cải cách thể chế song hành với tính toán cân bằng thương mại, Việt Nam mới thực sự đứng vững trước những thay đổi khó lường từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Cơ hội của Việt Nam trên bàn đàm phán thuế quan
Việt Nam hiện chỉ chiếm 4,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, trong khi phần lớn còn lại thuộc về Canada, Mexico, châu Âu và Trung Quốc.
Ở nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Việt Nam từng tận dụng làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc để tăng thị phần tại thị trường Mỹ từ 2% lên 4,1%.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty Dữ liệu kinh tế tài chính WiGroup, các quốc gia lân cận như Canada và Mexico mới là những bên hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc khi tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ của họ đã tăng mạnh từ khoảng 13% lên tới 20 - 25%.
Thêm vào đó, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam nhìn chung còn khá nhỏ so với các đối tác lớn như Canada, châu Âu, Mexico và Trung Quốc. Do vậy ông Báu cho rằng, nếu "mũi giáo" của chính sách thương mại Mỹ hướng về phía Việt Nam, tác động thực chất đến bài toán thâm hụt của Mỹ cũng không đáng kể.
Ngược lại, khi siết nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế đối ứng 125%, Mỹ vẫn cần các nguồn thay thế và điều này có thể mở ra cơ hội cho Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ.

Ngành dệt may chịu ảnh hưởng nặng từ các thay đổi trong chính sách thuế quan của Mỹ. Ảnh: Hoàng Anh
Chia sẻ trong Bàn tròn chính sách do Vietnambiz tổ chức, ông Báu lưu ý, cần cân nhắc kỹ nếu chính sách thương mại Mỹ trong những năm tới tiếp tục lặp lại xu hướng của nhiệm kỳ Trump đầu tiên. Trong kịch bản đó, Việt Nam cần tính đến rủi ro và diễn biến trong trung và dài hạn thay vì chỉ nhìn vào cơ hội trước mắt.
Động thái áp thuế đối ứng mới đây từ Mỹ được chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường, cựu kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá là một “hồi chuông cảnh báo” đối với Việt Nam. Theo ông Cường, vấn đề không nằm ở việc ai là tổng thống, mà là nguyên tắc nhất quán trong chính sách đối ngoại và thương mại của Mỹ: lợi ích quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu.
Trước đó, lịch sử đã nhiều lần cho thấy, khi chịu áp lực từ bên trong, Mỹ sẵn sàng đưa ra các quyết sách mạnh kể cả khi điều đó ảnh hưởng đến các đồng minh.
Năm 1971, trong bối cảnh suy thoái kinh tế nghiêm trọng, thâm hụt ngân sách và thương mại, Mỹ bất ngờ từ bỏ chế độ bản vị vàng. Hành động này đã gây chấn động toàn cầu và tạo ra khó khăn lớn cho các đồng minh chiến lược như Đức và Pháp trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Tới năm 1985, Mỹ tiếp tục gây sức ép buộc Đức và Nhật Bản ký Hiệp định Plaza để giảm giá đồng USD sau khi hai nước này ghi nhận mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ và đồng USD tăng giá mạnh.
Từ góc nhìn của WiGroup, chính sách thuế quan mà chính quyền Tổng thống Trump đang theo đuổi có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào nguy cơ đình lạm, tức là tình trạng lạm phát tăng cao trong khi tăng trưởng kinh tế lại chững lại.
Niềm tin của người dân Mỹ cũng sẽ tác động đáng kể đến các cuộc đàm phán. Sức ép từ chính cử tri Mỹ, những người đang trực tiếp chịu ảnh hưởng từ lạm phát, có thể còn lớn hơn bất kỳ tác động nào đến từ bên ngoài. Tổng thống Trump, dù muốn hay không, cũng sẽ phải đối mặt với một áp lực lớn đến từ chính kỳ vọng của người dân nước mình.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Cường, cựu kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)
Không chỉ là câu chuyện thuế quan
Trong bối cảnh sắp bước vào các vòng đàm phán với phía Mỹ, ông Cường nhấn mạnh ba nhóm vấn đề mà Việt Nam cần tập trung.
Một là xem xét kỹ các nội dung mà Mỹ thực sự quan tâm, đã được nêu rõ trong báo cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Trong đó, vấn đề thuế quan chỉ chiếm chưa đầy nửa trang trong khi phần lớn báo cáo tập trung vào các biện pháp phi thuế quan như tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, thương mại điện tử và sở hữu trí tuệ. Dù mức thuế 46% mà phía Mỹ đề xuất bị cho là chưa chính xác về mặt công thức nhưng là phản ánh tổng hợp của các rào cản thương mại mà Mỹ cảm nhận được, bao gồm cả thuế và phi thuế. Vì vậy, trọng tâm của Việt Nam cần phải mở rộng hơn là chỉ tập trung vào thuế.
Hai là tính toán kỹ lưỡng khả năng gia tăng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng nhạy cảm như nông sản và thịt bò, nhằm tạo thế cân bằng trong cán cân thương mại và giảm áp lực từ phía Mỹ.
Ba là xác lập một lộ trình cải cách kinh tế rõ ràng và nhất quán khi mà phần lớn vấn đề Mỹ quan tâm nằm ở các rào cản phi thuế, vốn liên quan chặt chẽ tới cấu trúc và thể chế kinh tế nội tại. Đây không chỉ là đáp ứng yêu cầu của Mỹ, mà còn gắn với yêu cầu nội tại trong việc hướng tới một nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Lịch sử cho thấy Mỹ sẵn sàng thay đổi chính sách thương mại rất nhanh nếu thấy cần thiết, nhất là khi đối mặt với sức ép thâm hụt thương mại ngày càng lớn. Mặc dù Việt Nam chỉ chiếm 4,1% trong tổng kim ngạch thương mại của Mỹ nhưng vẫn thuộc nhóm năm quốc gia có mức thặng dư lớn nhất với Mỹ. Cùng với việc chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường và các rào cản phi thuế quan mà Mỹ đưa ra, Việt Nam vẫn đứng trước rủi ro của các biện pháp phòng vệ thương mại khắt khe.