Việt Nam có hơn 2,1 triệu ca nhiễm sau 2 năm bùng phát dịch Covid-19
Từ giữa tháng 1, Việt Nam đã vượt mốc 2 triệu ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đồ thị số ca mắc mới tại Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ so với tuần trước nhưng vẫn dao động ở mức 14.000-16.000 ca/ngày (chưa tính ca bổ sung).
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 13/1, Việt Nam ghi nhận thêm 14.978 F0 mới, trong đó 44 ca nhập cảnh và 14.934 ca trong nước tại 62 tỉnh, thành phố.
Dịch Covid-19 tại Việt Nam sau 2 năm bùng phát
Ngày 23/1 là thời điểm tròn 2 năm Việt Nam phát hiện 2 ca mắc Covid-19 đầu tiên. Họ là cha con có quốc tịch Trung Quốc, di chuyển từ Vũ Hán đến Khánh Hòa, Long An sau đó nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Từ đó đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 2.141.422 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.697 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.134.788 ca, trong đó có 1.802.032 người đã được công bố khỏi bệnh.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch với quy mô, địa bàn và mức độ lây lan có xu hướng phức tạp hơn.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số ca mắc Covid-19 trong giai đoạn vừa qua tăng rất nhanh do biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột, dẫn đến tăng lượng người diễn biến nặng, tử vong và gây quá tải hệ thống y tế ở một số địa phương.
Qua 2 năm chống dịch, nhiều cán bộ, nhân viên y tế cũng đã rất mệt mỏi do phải liên tục làm việc trong môi trường áp lực cao, thời gian dài, đối diện trực tiếp với nguy cơ lây nhiễm cao.
Trong thời gian qua, ngành y tế Việt Nam cũng đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp xin nghỉ việc, thôi việc, dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực. Nhân lực y tế dự phòng cũng đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Bộ Y tế đã bàn họp phương hướng để giải quyết vấn đề này.
Sau Delta, biến chủng Omicron, lần đầu phát hiện tại Nam Phi, đang dần trở thành chủng thống trị chủ yếu tại nhiều quốc gia. Các tài liệu quốc tế nhận định biến chủng này có tốc độ lây nhiễm cao hơn Delta ở người chưa tiêm vaccine nhưng tỷ lệ gây bệnh nặng và tử vong không cao hơn.
Việt Nam cũng ghi nhận 135 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron. Các bệnh nhân được phát hiện tại Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP.HCM (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2).
Hà Nội tiếp tục tăng ca nhiễm
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 22/1/ đến 18h ngày 23/1, thành phố ghi nhận 2.971 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 830 ca cộng đồng.
Các bệnh nhân phân bố tại 412 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày là Hoàng Mai (105), Chương Mỹ (101), Gia Lâm (91); Bắc Từ Liêm (87), Đống Đa (82).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 111.777 ca. Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng ca nhiễm mới trong ngày liên tiếp khoảng một tháng qua. Trong 7 ngày gần nhất, tổng số ca nhiễm tại thành phố này là 20.400, trung bình 24 giờ tăng thêm 2.914 ca.
Về công tác tiêm chủng, trong ngày 22/1, Hà Nội tiêm được 115.768 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng là 14.305.252 mũi tiêm; 237.779 mũi bổ sung và 1.976.487 mũi vaccine nhắc lại.
Mới đây, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành chỉ thị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Trong đó, UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội; hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tăng cường giám sát dịch bệnh tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao...
Thành phố cũng chủ động thực hiện phương án, kịch bản cấp độ cao; phân công lực lượng, tổ chức diễn tập, ứng trực, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh theo nguyên tắc "4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ...
TP.HCM lần đầu dưới 200 ca bệnh
Theo công bố của Bộ Y tế, ngày 23/1, TP.HCM có 138 ca mắc Covid-19. Đây là số lượng thấp kỷ lục ghi nhận tại thành phố này trong vòng hơn 200 ngày qua (từ ngày 23/6/2021).
Nhiều ngày qua, số ca nhiễm ở thành phố này liên tiếp giảm sâu, từ 263 ca ngày 19/1, 245 ca ngày 20/1, 227 ca ngày 21/1 và 214 ca ngày 22/1. Hiện tại, các chỉ số dịch tễ bao gồm tỷ lệ F0/100.000 dân/tuần, ca nhập viện, tử vong đã được kéo giảm kỷ lục so với giai đoạn từ tháng 7 đến cuối tháng 9.
Tuần qua, TP.HCM ghi nhận 1.802 ca mắc mới, tiếp tục giảm mạnh so với tuần trước (3.122 ca).
Theo thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn của UBND TP.HCM ngày 22/1, thành phố này tiếp tục duy trì cấp độ 1 - vùng xanh, vùng bình thường mới. Như vậy, TP.HCM có 3 tuần liên tiếp duy trì cấp độ 1, trong đó 20 quận, huyện đạt cấp độ 1, riêng huyện Nhà Bè ở cấp độ 2.
Đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp TP.HCM không còn phường, xã, thị trấn nào ở cấp độ 3.
Ca nhiễm ở Đà Nẵng, Quảng Ninh cao kỷ lục
Sau Hà Nội, Đà Nẵng đứng thứ 2 cả nước về tổng số ca nhiễm trong ngày 23/1. 984 ca là số lượng F0 cao kỷ lục tại thành phố này trong vòng 24 giờ. F0 tại Đà Nẵng trong 7 ngày qua dao động 800-900 ca/ngày.
Trong số các ca mắc Covid-19 mới, một ca cách ly tập trung, 301 ca cách ly tại nhà, 5 ca trong khu phong tỏa và 677 ca chưa cách ly.
Trong số 677 ca chưa cách ly, 395 ca tự đến các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế khám bệnh, xét nghiệm; 250 ca test nhanh dương tính được trạm y tế các phường, xã lấy mẫu; 13 ca về từ ngoại tỉnh; 9 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Hòa Khánh, chợ Mỹ An; 10 ca xét nghiệm định kỳ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Sở Y tế thành phố nhận định 939/984 ca mắc trong ngày có khả năng lây cộng đồng, tập trung ở một số địa phương: Thanh Khê (185 ca), Hải Châu (172 ca), Cẩm Lệ (169 ca), Sơn Trà (141 ca), Liên Chiểu (129 ca), Hòa Vang (85 ca), Ngũ Hành Sơn (58 ca).
Đến nay, TP Đà Nẵng đã tiêm 2.150.756 mũi vaccine phòng Covid-19, trong đó tiêm mũi một cho 980.553 người, mũi 2 cho 961.209 người và mũi 3 cho 208.994 người.
Theo báo cáo cập nhật dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh, từ 16h ngày 22/1 đến 16h ngày 23/1, toàn tỉnh ghi nhận 432 ca mắc Covid-19 mới (34 ca đã quản lý cách ly, 398 ca tại cộng đồng).
Đây là lần đầu tiên Quảng Ninh vượt ngưỡng 400 ca F0 trong ngày. Các bệnh nhân tập trung tại Cẩm Phả (186), Hạ Long (90 ca); Uông Bí (60 ca); Quảng Yên (46 ca); Đông Triều (36 ca); Vân Đồn (7 ca); Đầm Hà (5 ca); Bình Liêu (1); Móng Cái (1).
Các F0 chủ yếu là công nhân làm việc tại công ty than, một số học sinh tiểu học, mầm non, F1 xét nghiệm dương tính, F0 sàng lọc cộng đồng và người đã được cách ly.
Ngành y tế nhận định xu hướng dịch tiếp tục lây lan từ công nhân các công ty than trên địa bàn tỉnh và công nhân tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh ra cộng đồng, học sinh tại các trường học.
Ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Bình Dương
Chiều 23/1, Sở Y tế Bình Dương thông tin về ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên là người nhập cảnh. Người này là nữ, 32 tuổi, quốc tịch Việt Nam.
Ngày 9/1, người này nhập cảnh từ Canada về sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay VN09, số ghế 27A. Ngay sau khi xuống sân bay, người này được cách ly tại khu phố 5, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một.
Ngày 11/1, mẫu xét nghiệm rRT-PCR của bệnh nhân có kết quả dương tính với chỉ số CT là 18,7. Ngày 19/1, trường hợp này cho kết quả rRT-PCR lần 2 âm tính, sau đó được trở về nhà theo dõi sức khỏe. Người này có sức khỏe bình thường, không có triệu chứng.
Ngành y tế tỉnh Bình Dương nhận định đây là trường hợp nhập cảnh nhiễm biến chủng Omicron, được cách ly từ trước nên không nguy hiểm cho cộng đồng.
Ngày 23/1, tỉnh Bình Dương ghi nhận 40 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, tuy nhiên, số bệnh nhân tiếp nhận cách ly mới là 90 người. Trong ngày, 412 bệnh nhân khỏi bệnh và 4 người tử vong.
Trong đợt dịch thứ 4, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 292.272 ca mắc Covid-19, 3.368 bệnh nhân tử vong (các chỉ số dịch tễ tích lũy đứng thứ 2 cả nước, sau TP.HCM với 512.774 ca).
Ngoài Bình Dương và TP.HCM, các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (108.627), Đồng Nai (99.663), Tây Ninh (87.131).