'Việt Nam có nguy cơ thành điểm trung chuyển hàng Trung Quốc sang Mỹ'
VEPR nhìn nhận Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc để hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc lách thuế trừng phạt tại Mỹ.
Theo thống kê của Chính phủ, chín tháng đầu năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 388,62 tỷ USD, tăng 1,7% với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 202,57 tỷ USD, tăng 4,1% và nhập khẩu đạt 186,05 tỷ USD, giảm 0,7%. Thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước đạt 16,52 tỷ USD, mức kỷ lục trong vòng 15 năm qua.
Điện thoại và linh kiện vẫn là các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 36,78 tỷ USD, chiếm 18,16% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo sau là mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép; hàng dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ.
Trong khi đó, có 31 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD. Điện tử, máy tính và linh kiện đạt giá trị cao nhất, chiếm 24,23% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu, tăng 17,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 1,3%; điện thoại và linh kiện tăng 0,1%.
Trong 9 tháng qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch 54,74 tỷ USD, tăng 22,7%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 57,6 tỷ USD, tăng 4,1%. Mỹ là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam, đạt 44,36 tỷ USD, tăng 30,8%. Trong khi đó, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 25,11 tỷ USD, giảm 7,3%.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam có nguy cơ trở thành thị trường tạm nhập tái xuất của Trung Quốc để hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc lách lệnh trừng phạt của Mỹ. VEPR cho biết các mặt hàng xuất khẩu nhiều sang Mỹ chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, trong khi Việt Nam lại nhập khẩu nhiều các mặt hàng này từ Trung Quốc.
“Vì thế, tất cả con số thống kê về sự tăng trưởng đột ngột của nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ cho cùng một số loại mặt hàng (như linh kiện điện tử) nhiều khả năng chỉ thuần túy là tạm nhập tái xuất, chứ không phải do khu vực sản xuất trong nước mở rộng. Chính phủ nên có các chính sách thắt chặt các quy định về nguồn gốc của các nguyên liệu đầu vào công nghiệp nhập khẩu”, VEPR lưu ý.