Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn
Chiều 9/10, Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) tổ chức họp báo thường kỳ quý 3 năm 2023. Tại cuộc họp nhiều vấn đề được nhắc đến nổi bật là việc phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn và cơ chế để tháo dỡ những rào cản.
Cơ hội đi kèm với thách thức
Theo Báo cáo GII 2023 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố ngày 27/9/2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN, ông Nguyễn Phú Hùng cho biết Việt Nam thời gian tới Việt Nam có nhiều cơ hội trong việc phát triển công nghiệp chip bán dẫn. Tuy nhiên nguồn nhân lực lại chính là thách thức lớn nhất.
Theo thống kê, nước ta Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực chip bán dẫn. Mỗi loại chip đều đòi hỏi công nghệ rất cao. Việt Nam sẽ tập trung vào thiết kế nên đòi hỏi cần có nguồn nhân lực trình độ cao. Thời gian tới sẽ phải có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp tập đoàn trong và ngoài nước đầu tư các phòng thí nghiệm tại Việt Nam, hoặc đầu tư các phòng thí nghiệm trong các viện trường có lĩnh vực này.
Vụ trưởng cho biết hiện hiện nay ta đang đẩy mạnh khuyến khích các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài thông qua các chương trình hợp tác song phương, đa phương, chuyển giao công nghệ với các nước có thể mạnh về sản xuất chip bán dẫn. Từ đó ta có thể tạo ra một nhóm các nhà nghiên cứu làm chủ và thành thạo về công nghệ.
Tới đây, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng triển khai chương trình sản phẩm quốc gia đối với chip bán dẫn. Các doanh nghiệp có thế mạnh như Viettel, FPT, CMC…và các viện, trường có thể phối hợp chặt chẽ hơn để tham gia vào chương trình phát triển sản phẩm quốc gia liên quan đến chip bán dẫn. Qua đó, tạo ra hệ sinh thái giữa các viện, trường, doanh nghiệp sản xuất, từ khâu thiết kế, đến chế tạo sản phẩm.
Thứ tư, Bộ KH&CN sẽ xây dựng các chính sách về đầu tư và hỗ trợ những trang thiết bị cho việc đo lường, kiểm định các sản phẩm chip bán dẫn theo đúng tiêu chuẩn, góp phần rút ngắn thời gian sản xuất và đầu ra sản phẩm./.
Xây dựng chính sách phù hợp kịp thời
Phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn đòi hỏi phải xây dựng chính sách đầu tư và hỗ trang thiết bị đo lường kiểm định các sản phẩm của chip bán dẫn theo đúng chuẩn. Sự vào cuộc của các bộ ban ngành cũng tạo động lực, mở rộng cánh cửa để ngành công nghiệp chip bán dẫn phát triển.
Ông Đỗ Thành Long, Chánh văn phòng Bộ KH&CN cho biết thời gian qua, Bộ tập trung hoàn thiện một số cơ chế, chính sách pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN; Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về việc chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN về UBND thành phố Hà Nội quản lý; Chỉ thị số về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.
Quý IV-2023, Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp tổ chức: Hội nghị giao ban KH&CN vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đông Nam Bộ; Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới; Techmart Việt Nam 2023; Techfest quốc gia; Khóa họp của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KH&CN giữa Bộ KH&CN và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF); Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp các đơn vị trực thuộc Bộ theo quy định tại Nghị định 28/2023/NĐ-CP của Chính phủ; tổ chức triển khai các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương; tăng cường thu hút nguồn lực KH&CN từ nước ngoài; thúc đẩy hợp tác về khoa học và công nghệ gắn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ KH&CN) tập trung giải ngân nguồn vốn 223 tỷ đồng cho các dự án. Từ đó tạo đà giúp nước ta nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn.