Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển chuỗi logistics
Trong bối cảnh mới, những thay đổi năng động trong chuyển đổi số và phát triển bền vững đã góp phần định hình lĩnh vực logistics Việt Nam.
Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngành logistics được định hình lại
Theo ông Edwin Chee, Giám đốc điều hành của SLP Việt Nam, những gián đoạn thương mại toàn cầu gần đây do chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hay căng thẳng địa chính trị leo thang, đã tạo ra nhiều thay đổi căn bản, thiết lập nên những mô hình mới.
Ông Edwin Chee,
Giám đốc điều hành SLP Việt Nam
Tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2023 do SLP Việt Nam và Báo Đầu tư đồng tổ chức, ông Chee nhắc đến thuật ngữ "friend-shoring", nhấn mạnh tới chiến lược di dời chuỗi cung ứng đến các quốc gia có chung giá trị, thân hữu đang rất được quan tâm trong suốt thời gian qua.
Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng đó. Vì vậy, khả năng thích ứng và nắm bắt cơ hội sẽ tạo nên sự khác biệt cho Việt Nam trong bối cảnh đang thay đổi này.
Ông Edwin Chee nhận định, trong 2 năm tới, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong phát triển chuỗi logistics, với dự báo năm 2024 Việt Nam tiếp tục thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư hơn nữa. Việt Nam cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không chỉ tập trung ở một khu vực, một tỉnh, thành phố, để tạo thành chuỗi liên kết rộng khắp cả nước, tránh được những tắc nghẽn có tính cục bộ, giảm cạnh tranh.
Nói về cơ hội, theo bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất là trung tâm phát triển kinh tế của một quốc gia, sức khỏe của nền kinh tế tỷ lệ thuận với hiệu quả của hệ thống hậu cần. Khi dịch vụ vận tải, chất lượng logistics tốt sẽ giúp các nhà sản xuất nâng cao hiệu quả, giảm chi phí.
"Việt Nam có đủ khả năng cạnh tranh với Dubai, Hong Kong, thậm chí Singapore hay Thượng Hải, không chỉ phấn đấu trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa toàn cầu mà còn là mắt xích chuỗi cung ứng, cánh tay nối dài của công xưởng thế giới”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.
Chuyển đổi số để tối ưu hóa quy trình vận hành và tiết giảm chi phí
Chuyển đổi số có tác động rất lớn trong bối cảnh cạnh tranh của ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Công nghệ đóng vai trò quan trọng giúp tối ưu hóa mọi quy trình hoạt động của doanh nghiệp.
Với kinh nghiệm trong tư vấn quản trị, ông Bùi Đào Thái Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Roland Berger Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp logistics cần phải thúc đẩy việc sử dụng công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số. Trên thực tế, công nghệ có thể giúp các doanh nghiệp giảm 15-25% chi phí giao hàng tận nơi.
Tuy nhiên, nếu muốn áp dụng bất kỳ công nghệ nào, doanh nghiệp cũng cần có một chiến lược rõ ràng và toàn diện về cách giảm chi phí xuống mức thấp nhất. Và đặc biệt, cần tận dụng cơ sở dữ liệu khách hàng để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Ông Mai Hoàng, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Giao hàng nhanh (GHN) cho biết thêm, các nhà bán hàng thương mại điện tử cũng đang nỗ lực giảm giá vận chuyển xuống mức thấp nhất, bằng giải pháp áp dụng công nghệ phần mềm, cải thiện năng suất lao động để cắt giảm chi phí.
Đối với GHN, đã lựa chọn kho bãi SLP ở Xuyên Á, rộng tới 50.000m2 và tại đây, công ty đã áp dụng công nghệ để giảm thiểu rủi ro và cải thiện tốc độ giao hàng. Ông Hoàng nhận định, thương mại điện tử là một ngành công nghiệp độc đáo do nhu cầu mua sắm trực tiếp và trực tuyến thay đổi hàng ngày, ghi nhận tốc độ tăng trưởng từ 20-30%. Do đó, GHN xác định đầu tư vào kho trung tâm để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
Phát triển bền vững là yêu cầu thiết yếu đối với ngành logistics
“Phát triển bền vững không còn là xu hướng tương lai nữa mà là vấn đề của ngày hôm nay”.
Ông Khuất Quang Hưng,
Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông
Công ty Nestlé Việt Nam
Chia sẻ tại hội nghị, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Công ty Nestlé Việt Nam nhận định: “Phát triển bền vững không còn là xu hướng tương lai nữa. Thực tế, phát triển bền vững đã trở thành vấn đề của ngày hôm nay. Đây là yêu cầu đối với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là ngành logistics”.
Lấy phát triển bền vững làm tiêu chuẩn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuỗi cung ứng của mình, cách tiếp cận của Nestlé đối với tính bền vững là toàn diện, dựa trên cam kết phấn đấu đạt được phát thải ròng bằng 0 và chuỗi cung ứng không có nạn phá rừng, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp tái sinh ở quy mô lớn.
"Chúng tôi cam kết cải thiện quản lý tài nguyên nước, phát triển bao bì tốt hơn với khả năng tuần hoàn cao hơn, tạo cơ hội cho người trẻ tuổi và xây dựng lực lượng lao động đa dạng và hòa nhập", ông Hưng cho biết thêm.
Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực logistics, Tập đoàn ITL cũng đang thực hiện nhiều sáng kiến để theo đuổi phát triển bền vững trong lĩnh vực kho bãi, năng lượng và xe điện (EV).
Ông Alexander Olsen, Phó Chủ tịch Khối Vận tải quốc tế và Thương mại Tập đoàn ITL cho biết, ITL đang xây dựng một đội xe EV. Tuy nhiên, tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng cho loại xe này chưa phát triển, gây khó khăn cho việc sử dụng. Trong khi, việc xây dựng trạm sạc điện phải xin phép nhiều cơ quan và thực hiện nhiều thủ tục. Do đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng và trạm sạc vẫn là một vấn đề lớn.
Theo ông Olsen, để thúc đẩy phát triển bền vững, Việt Nam cần khai thác tốt tiềm năng của vận tải sông biển, trong đó việc sử dụng sà lan sẽ giúp tiết kiệm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng hậu cần bền vững, đại diện SLP cho biết, công ty không chỉ chú trọng vào chất lượng cơ sở kho vận, mà còn xem phát triển bền vững là yếu tố cốt lõi, được lồng ghép trong mọi hoạt động kinh doanh. Từ khâu lựa chọn vật liệu và công nghệ hiện đại trong quá trình xây dựng giúp giảm phát thải CO2, tối ưu hóa tài nguyên và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Việc xây dựng cơ sở kho bãi tiêu chuẩn cao có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động ngành logistics. Một cơ sở kho vận tiêu chuẩn cao, tọa lạc tại các vị trí chiến lược, trang bị đầy đủ các tính năng hiện đại như hệ thống nâng sàn tiên tiến, hệ thống xếp dỡ hiệu quả, hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) và ứng dụng công nghệ liên quan khác... có thể giúp tối ưu hóa toàn bộ quy trình vận hành.
Tại các cơ sở của SLP đang áp dụng công nghệ tiên tiến nhất phục vụ các nhãn hàng thời trang, cung cấp tự động hóa, robot, cung cấp chuỗi cung ứng đầy đủ. Từ việc lưu trữ hàng hóa đến quản lý tồn kho, từ vận chuyển cho đến phân phối, mọi khâu đều được tối ưu hóa một cách hiệu quả. Và chỉ cần từ 3-5 người có thể vận hành cơ sở rộng 8.000m2.
Điều này không chỉ giúp nâng cao tính cạnh tranh và uy tín của SLP mà còn đảm bảo an toàn cho khách hàng và đối tác. “Chúng tôi tin rằng những nỗ lực và cam kết này của SLP sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của ngành logistics, hỗ trợ sự phát triển của khách hàng và kinh tế trong khu vực”, Giám đốc điều hành của SLP Việt Nam nhấn mạnh.