Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh

Ngày 2-6, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021.

Đây là là ấn phẩm thứ ba trong chuỗi các ấn phẩm Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam do Chương trình Đối tác Năng lượng Đan Mạch - Việt Nam xây dựng.

Chương trình này là một phần đóng góp của Chính phủ Đan Mạch cho Nhóm châu Âu (Team Europe) với mục đích hỗ trợ phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam.

Quang cảnh lễ công bố.

Quang cảnh lễ công bố.

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng: Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tại COP26 ở Glasgow.

Cụ thể, báo cáo đưa ra góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh.

Đặc biệt, Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam đã xem xét kịch bản để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông theo đó điện khí hóa ngành giao thông, chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu điện phân, và tăng cường phương thức vận tải bằng đường sắt điện khí hóa sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon và ô nhiễm không khí.

“Báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu có chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung, cung cấp các thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại lễ công bố.

Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm vào khoảng 7% và nền kinh tế đang phát triển dẫn đến gia tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng cũng như lượng khí thải carbon.

Báo cáo cho thấy Việt Nam có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 với chi phí hiệu quả bằng cách điện khí hóa mạnh mẽ ngành công nghiệp và giao thông vận tải cùng với mở rộng công nghệ năng lượng tái tạo và thực hiện các mục tiêu tham vọng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tin, ảnh: HẢI YẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/viet-nam-co-nhieu-tiem-nang-chuyen-doi-xanh-696258