Việt Nam có những đóng góp hiệu quả trong ASEAN
Tờ New Straits Times của Ma-lai-xi-a số ra mới đây nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN 2020, đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện cho khu vực. Điều này thể hiện rõ qua Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội ngày 26-6 vừa qua, khi Việt Nam thể hiện vị thế một thành viên đã có 25 năm gia nhập tổ chức khu vực này. Bài báo cũng nêu bật những đóng góp của Việt Nam kể từ khi gia nhập ASEAN.
Tờ New Straits Times của Ma-lai-xi-a số ra mới đây nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN 2020, đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện cho khu vực. Điều này thể hiện rõ qua Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 tại Hà Nội ngày 26-6 vừa qua, khi Việt Nam thể hiện vị thế một thành viên đã có 25 năm gia nhập tổ chức khu vực này. Bài báo cũng nêu bật những đóng góp của Việt Nam kể từ khi gia nhập ASEAN.
Tác giả bài báo trích dẫn những trao đổi với một quan chức ngoại giao Việt Nam trong đó nhận định, nước Chủ tịch ASEAN 2020 không chỉ tổ chức một hội nghị cấp cao lịch sử trong bối cảnh tình hình đầy thách thức mà còn tiếp tục thực hiện thành công chủ đề của hội nghị “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Hội nghị lần này đã thúc đẩy các nước thành viên ASEAN cùng nhau hướng tới đạt được một kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện tiến bộ ở khu vực hậu Covid-19, trong đó, Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm 25 năm quý báu của mình với tư cách là thành viên ASEAN trong việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch, thể hiện nỗ lực phối hợp nhằm bảo đảm khả năng phục hồi bền vững toàn cầu và khu vực.
Bài báo nêu rõ, kể từ khi gia nhập ASEAN vào ngày 28-7-1995, Việt Nam đã góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy hợp tác nội khối và mang lại nhiều cơ hội cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Những thập kỷ gần đây, Việt Nam nổi nên là một thành viên năng động và trách nhiệm, mang lại những ảnh hưởng tích cực cho cấu trúc của ASEAN, trong khi đóng góp vào việc duy trì sự thống nhất, hòa bình và an ninh của khu vực. Bài báo cũng nêu bật các dấu mốc của Việt Nam kể từ khi gia nhập ASEAN, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ sáu năm 1998, tức là chỉ ba năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên của khối. Kế hoạch hành động Hà Nội được đưa ra tại Hội nghị đã giúp duy trì sự hợp tác và tăng cường vị thế của hiệp hội trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.
Bài báo nhấn mạnh, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu với tư cách là Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN 2001 và nước Chủ tịch ASEAN 2010. Ở hai cương vị này Việt Nam đã giúp thúc đẩy một bước tiến lớn hướng tới thành lập cộng đồng ASEAN vào năm 2015, qua đó tăng cường vai trò và vị thế quốc tế của khối. Ngoài ra,
Việt Nam cũng có những đóng góp cho quá trình mở rộng hợp tác của ASEAN thông qua cơ chế hợp tác cấp cao Đông Á với sự tham gia của Nga, Mỹ, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và việc ASEAN được mời tham dự Hội nghị cấp cao Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), tiếp sau là hàng loạt sáng kiến, chương trình như “Tầm nhìn 2020 và kế hoạch thực hiện”, “Tuyên bố ASEAN 2”, “Hiến chương ASEAN”, “Lộ trình phát triển Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015)”, “Sáng kiến hội nhập ASEAN” và “Kế hoạch Tổng thể và Kết nối ASEAN”.
* Trang điện tử Trung tâm Truyền thông châu Á tại Niu Di-lân ngày 23-7 đã đưa tin đậm nét về sự kiện Việt Nam và Niu Di-lân chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào ngày 22-7 và bày tỏ tin tưởng vào những cơ hội và tiềm năng của mối quan hệ này trong tương lai. Bài báo dẫn nhận định của chuyên gia Mít-xen Pham - Chủ tịch Hội đồng kỹ thuật số Aotearoa, thành viên Hội đồng toàn cầu của Hiệp hội châu Á, Giám đốc Tập đoàn Augen Software Group - đánh giá việc Việt Nam và Niu Di-lân nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược là “một điều tuyệt vời”, theo đó chính phủ hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ nhiều hơn, tạo thêm các cơ hội mới cho cả hai nước để cùng mang lại những lợi ích chung.
Là một trong những doanh nhân thường xuyên qua lại và hoạt động tại cả Việt Nam và Niu Di-lân, ông Mít-xen Pham cho biết, ông đã cảm nhận những “rung cảm tích cực” và mối quan tâm cao giữa hai nước. Ông tin tưởng khách du lịch, thương mại, kết nối giữa người dân Việt Nam và Niu Di-lân giờ đây sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đem tới những cơ hội kinh doanh mới và sâu rộng hơn. Về Kế hoạch hành động cho quan hệ đối tác chiến lược trong 12 tháng tới, ông Mít-xen Pham mong muốn chính phủ hai nước sẽ sớm thiết lập một môi trường và hệ sinh thái cho ngành công nghiệp, doanh nghiệp và cộng đồng để kết nối hợp tác giữa hai quốc gia.
Trong khi đó, ông O.Clê-in - Chủ tịch Phòng Thương mại Niu Di-lân tại Việt Nam chia sẻ việc nâng cấp mối quan hệ Việt Nam - Niu Di-lân lên đối tác chiến lược thể hiện một bước tiến tích cực trong quan hệ giữa hai nước. Theo ông, Niu Di-lân có danh tiếng tốt đẹp tại Việt Nam, cả ở cấp chính thức và trong cộng đồng, và danh tiếng đó đã được bồi đắp trong nhiều thập kỷ gắn kết mang tính xây dựng giữa hai bên. Mối quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Niu Di-lân luôn tốt đẹp và thương mại hai chiều cũng đã tăng đáng kể trong những năm gần đây.
Ông O.Clê-in cho rằng thời điểm của sự kiện này là “không thể tốt hơn”, khi thế giới đang hồi phục sau đại dịch Covid-19. Cả Niu Di-lân lẫn Việt Nam đều là những điểm sáng hiếm hoi xử lý thành công cuộc khủng hoảng sức khỏe, để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và hạn chế tác động đối với nền kinh tế trong nước. Việc Niu Di-lân xây dựng thị trường xuất khẩu nhằm duy trì hiệu quả kinh tế và nền kinh tế tương đối sôi động như Việt Nam là đặc biệt quan trọng. Trong giai đoạn hậu Covid-19, yếu tố địa chính trị và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn. Các nhà xuất khẩu và nhập khẩu của Niu Di-lân cần đáp ứng các xu hướng này, vì chúng sẽ tác động đến khả năng quản lý rủi ro và nhận thức toàn cầu của các doanh nghiệp. Đây là một vấn đề mà cả Niu Di-lân và Việt Nam - với tư cách là các quốc gia thương mại nhỏ - có điểm chung. Cả hai nước cần phải bảo vệ và tham gia một hệ thống thương mại dựa trên quy tắc, để đa dạng hóa cả thị trường xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Đó là những gì mà hai chính phủ có thể hỗ trợ tạo ra, thông qua mối quan hệ đối tác chiến lược chặt chẽ và hiệu quả.