Việt Nam có thể cung ứng đủ nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp dược phẩm toàn cầu

Với hàng nghìn dược sĩ và cử nhân hóa dược tốt nghiệp mỗi năm, Việt Nam hoàn toàn có thể cung ứng đủ nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp FDI trong ngành dược phẩm, y tế.

Trái với một số lo ngại cho rằng thiếu nhân lực trong ngành dược phẩm, y tế là một yếu tố khiến vốn FDI chảy vào mảng này còn chậm, GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, lại có quan điểm khác hoàn toàn.

Ông Nam khẳng định, bên cạnh nguồn lực về tài chính và các yếu tố thể chế, yếu tố con người là tiền đề cho sự phát triển ngành dược, đặc biệt là lĩnh vực dược công nghệ cao, có tính chất đổi mới sáng tạo.

“Việt Nam cơ bản sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các tập đoàn lớn trên thế giới nếu họ rót vốn đầu tư”, GS.TS Nguyễn Hải Nam chia sẻ tại Hội thảo "Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y dược", do Báo Đầu tư tổ chức ngày 20/7/2023.

GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội.

Theo ông, các số liệu thống kê cho thấy riêng trong lĩnh vực đạo tào nguồn nhân lực ngành dược, Việt Nam sở hữu 41 cơ sở đào tạo với tổng số sinh viên dược đang theo học là 37.000 người. Số lượng sinh viên tốt nghiệp năm nay là 6.800 dược sĩ. So với 10 năm trước, quy mô đào tạo đã tăng gấp 10 lần.

Trong số gần 7.000 dược sĩ tốt nghiệp mỗi năm, trung bình 15% dược sĩ làm việc trong lĩnh vực công nghệ dược. Đội ngũ này được đào tạo bài bản, liên quan trực tiếp đến chuyên môn về dược và định hướng ngành dược công nghệ cao, hoàn toàn đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu tuyển người của các công ty dược phẩm lớn hoặc các trung tâm nghiên cứu trên thế giới.

Ngoài đội ngũ dược sĩ, ngành dược còn liên quan đến công nghệ dược phẩm trong sản xuất nguyên liệu có nguồn gốc hóa học, sinh học. Về mảng này, ông Nguyễn Hải Nam chỉ ra Việt Nam đang đào tạo cử nhân hóa hữu cơ với 13 cơ sở đào tạo, quy mô khoảng 60-100 sinh viên/cơ sở tốt nghiệp mỗi năm. Ước tính tổng cộng 800 cử nhân hóa dược Việt Nam đủ điều kiện để tham gia nghiên cứu trong mảng hóa dược, đặc biết lĩnh vực nghiên cứu, phát triển các loại thuốc mới, vốn được coi là lĩnh vực khó khăn và nhiều rủi ro.

“Chỉ tính riêng đào tạo dược sĩ và cử nhân hóa dược, nguồn lực ban đầu của Việt Nam hoàn toàn đủ để đáp ứng cho các nhà đầu tư”, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội nhấn mạnh.

“Tuy nhiên vì tính chất yêu cầu cao của ngành nghiên cứu công nghiệp dược, với các trình độ khác nhau, chúng ta phải tiếp tục đào tạo thêm. Nhưng tôi hình dung chỉ cần khoảng 6-10 tháng sau là các em sẽ làm quen được với môi trường công nghệ cao trong mảng dược phẩm, kể cả các kỹ thuật tiên tiến nhất”.

Ngoài ra, ông cũng khẳng định nguồn nhân lực không phải là yếu tố lo ngại trong mảng dược phẩm, y tế bởi Việt Nam còn có thêm nguồn nhân sự chất lượng cao được đào tạo từ nước ngoài. Hiện nhóm nhân sự này đang có xu hướng quay về Việt Nam làm việc, vì môi trường Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nhiều trường đại học tự thục sở hữu môi trường giảng dạy, nghiên cứu tốt, thu hút được nhóm đối tượng trình độ cao sau khi họ hoàn thành chương trình đào tạo từ nước ngoài.

Như vậy, theo ông Nam, việc thu hút đầu tư vào ngành dược còn điểm nghẽn vì bản chất dược phẩm là lĩnh vực yêu cầu trình độ rất cao và rất rủi ro. Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư FDI vào mảng dược phẩm, y tế nhưng vẫn chưa đủ, đòi hỏi sự cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong thủ tục hành chính. Chẳng hạn, từ lúc lập dự án tới khi đầu tư có khi phải mất 5 năm, một quãng thời gian rất dài với mỗi doanh nghiệp. Điều này có thể khiến doanh nghiệp FDI chuyển hướng sang các quốc gia có cơ chế thông thoáng hơn.

Ông Nam tiết lộ không ít doanh nghiệp dược phẩm bày tỏ mong muốn được Chính phủ cho hưởng các ưu đãi về thuế nếu họ chấp nhận đầu tư một lượng vốn lớn vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Hoặc Việt Nam có thể học theo mô hình Hàn Quốc, triển khai các chương trình ưu đãi về thuế với doanh nghiệp cam kết đầu tư tối thiểu 10% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới. Chưa kể, Việt Nam nên có chương trình cho vay ưu đãi với các doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào công nghệ cao trong lĩnh vực dược phẩm.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/viet-nam-co-the-cung-ung-du-nguon-nhan-luc-cho-cac-doanh-nghiep-duoc-pham-toan-cau-d194467.html