Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chíp bán dẫn

Nhân sự ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam đang đứng trước thời cơ có việc làm thu nhập cao cho sinh viên mới ra trường. Trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát tr›iển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển.

Thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng cao

Trong bối cảnh doanh nghiệp trên toàn thế giới tăng tốc trong cuộc đua chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái thiết bị, việc sản xuất chip vi mạch bán dẫn tích hợp trở thành xương sống cho hệ thống điện tử và ngành công nghệ phát triển. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027. Trên toàn cầu, thị trường chất bán dẫn sẽ tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt mức kỷ lục 588,36 tỷ USD và dự kiến tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030, theo tổ chức Số liệu thương mại chất bán dẫn toàn cầu (WSTS).

Tại hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, các chuyên gia kinh tế dự báo trong khoảng 5 năm tới ngành bán dẫn tại Việt Nam cần khoảng 20.000 người; 10 năm tới là 50.000 người trình độ đại học trở lên. Trong khi số nhân lực thiết kế vi mạch hiện khoảng 5.000 người.

Để cho ra một chíp bán dẫn hoàn thiện có ba công đoạn chính là thiết kế; chế tạo; kiểm tra, đóng gói.

Để cho ra một chíp bán dẫn hoàn thiện có ba công đoạn chính là thiết kế; chế tạo; kiểm tra, đóng gói.

Số liệu của cộng đồng Vi mạch Việt Nam lại cho biết, trung bình lương sau thuế trong năm đầu đi làm của kỹ sư thiết kế chip là gần 220 triệu đồng (hơn 18 triệu/tháng) và sẽ tăng dần theo từng năm. Với 5 năm kinh nghiệm, người làm công việc này có thu nhập trên 330 triệu đồng một năm. Con số này tăng dần lên hơn 800 và 1,3 tỷ đồng nếu có 15-20 năm kinh nghiệm.

Hai năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho chuỗi sản xuất chip toàn trình với khoản đầu tư hàng tỷ USD từ các công ty Mỹ và Hàn Quốc. Amkor Technology - Tập đoàn công nghiệp bán dẫn lớn của thế giới có trụ sở tại Arizona đã khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD. Samsung cũng có kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Hana Micron Vina (Hàn Quốc) khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Bắc Giang với đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD…

Tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn

Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến tìm kiếm nhân sự cho nhiều quốc gia đang cần nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Hồi tháng 5-2024, đoàn làm việc của 19 doanh nghiệp, đại học từ Đài Loan (Trung Quốc) đến Việt Nam để phỏng vấn sinh viên cho chương trình cao học hoặc thực tập với nhiều hỗ trợ.

Sinh viên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn Trường Đại học FPT có cơ hội được học bổng lên đến 100%.

Cùng lúc đó, nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo tại Việt Nam đã mở chuyên ngành đào tạo về bán dẫn hoặc mở khóa học chuyển đổi từ các ngành có liên quan sang làm việc chuyên sâu. Đại học FPT tuyển 1.000 chỉ tiêu Thiết kế Vi mạch bán dẫn và xem xét cấp học bổng lên đến 100% chương trình học cho tất cả thí sinh đăng ký chuyên ngành này. Đại học Bách khoa Hà Nội, hai đại học Quốc gia, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Phenikaa, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội… cũng mở ngành mới và đưa ra nhiều chính sách thu hút sinh viên theo học.

Theo ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor): Thời gian tới, FPT Semiconductor sẽ kết hợp với các trường lớn trên thế giới, đưa chương trình giảng dạy của họ về Việt Nam. Có thể kể ra như chương trình 2+2, 3+1, có nghĩa là hai năm giảng dạy tại Việt Nam kết hợp với các trường như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Hai năm sau đưa đi học tại các trường khác trên thế giới. Khi ra trường, sinh viên sẽ có hai bằng. Đó là cách nhanh nhất để mang chương trình học trên thế giới về Việt Nam, giúp sinh viên khi tốt nghiệp có kiến thức như được học tại các nước tiên tiến. FPT Semiconductor dự định sẽ đào tạo 15.000 sinh viên phục vụ ngành chip bán dẫn tốt nghiệp ra trường từ nay đến năm 2030.

Trao đổi về định hướng đường dài cho nhân sự ngành bán dẫn, đại diện Tập đoàn FPT cho biết: Cơ hội việc làm là điều có thể nhìn thấy rõ ràng từ Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… vấn đề lớn là cần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp. Từ đó, nhân sự Việt Nam có thể làm việc cho doanh nghiệp Việt như FPT hay các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Thậm chí, các bạn có thể nắm bắt cơ hội đi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước khác làm việc.

Về cơ hội việc làm, hợp tác đào tạo, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Hợp tác phát triển chíp bán dẫn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nước thời gian vừa qua cho thấy cơ hội rất lớn đối với Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm này. Tuy nhiên cùng với cơ hội, Việt Nam cũng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc bởi nguồn nhân lực đang còn thiếu. Thời gian tới, Việt Nam phải tập trung vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để Việt Nam nhanh chóng nắm bắt được công nghệ lõi trong phát triển chíp bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Phú Hùng, Bộ KH&CN đã có nhiều cơ chế chính sách liên quan đến phát triển chíp bán dẫn và đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Bộ KH&CN cũng sẽ đẩy mạnh chương trình tìm kiếm, chuyển giao công nghệ, chương trình hợp tác song phương, đa phương đối với những nước có thế mạnh về khoa học và công nghệ, từ đó tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh có thể áp dụng, nắm bắt nhanh nhất công nghệ lõi trong lĩnh vực này.

Theo QĐND

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/217004/viet-nam-co-the-dap-ung-nhu-cau-ve-nguon-nhan-luc-chip-ban-dan