Việt Nam có thể nhận hơn 51 triệu USD nhờ giảm phát thải
Nỗ lực thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đàm phán với Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) và Quỹ đã ủy thác cho Ngân hàng Thế giới (WB) điều phối và đàm phán trực tiếp với Việt Nam để chuẩn bị ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).
Với Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), nếu Việt Nam thực hiện đầy đủ cam kết này thì từ nay cho đến năm 2025, 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ cam kết giảm 10,3 triệu tấn CO2 và Quỹ FCPF sẽ chi trả cho Việt Nam 51,5 triệu USD. Đây sẽ là nguồn lực rất ý nghĩa cho khu vực miền Trung Việt Nam, góp phần thực hiện cơ chế thí điểm thực thi thị trường tín chỉ các-bon trên thế giới.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Việt Nam sẽ là đối tác thứ 5 của Quỹ FCPF và là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương ký thỏa thuận này.
Việc ký kết này thể thiện quyết tâm của Việt Nam trong việc giảm mất rừng, suy thoái rừng, đồng nghĩa với đó là chúng ta triển khai cơ chế để tính toán được lượng giảm phát thải khí nhà kính. Đây quyết tâm của Việt Nam được quốc tế thừa nhận. Việc ký được thỏa thuận này sẽ là nguồn tài chính mới và tương lai sẽ ổn định và còn tăng lên cho nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng.
Sau khi ký ERPA, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải ban hành kế hoạch chi tiết để thực hiện thỏa thuận này. Trong số đó có những việc Việt Nam đã làm được rất cơ bản nhưng cũng còn những việc phải khẩn trương làm như: trình Chính phủ phê duyệt quy định về cơ chế tiếp nhận, đo lường, chi trả tiền thu được từ dịch vụ các-bon này; triển khai ngay các biện pháp trên thực tiễn để đo lường việc hấp thụ các bon.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, quan trọng nhất vẫn là phải làm sao giảm suy thoái rừng và tăng được diện tích rừng và chất lượng rừng. Việt Nam tuy không còn nhiều diện tích để tăng diện tích rừng nhưng về chất lượng rừng phải tăng lên. Điều này có nghĩa là lượng hấp thụ các-bon sẽ cao hơn để đảm bảo cam kết trong ERPA cũng như lượng hấp thụ còn lại có thể bán cho các đối tác khác. Một loạt các cơ chế để chi trả cho các bên phải hình thành kỹ lưỡng, có những nguyên tắc đảm bảo minh bạch.
Thời gian qua, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về quyết tâm đưa độ che phủ của rừng lên. Tuy vậy, đánh giá lại việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Chiến lược thì việc tăng diện tích rừng gần như không còn nên ngành nông nghiệp đề xuất Trung ương và Chính phủ trong giai đoạn tới, tỷ lệ che phủ rừng cơ bản giữ ổn định ở mức 42%.
Việt Nam đã đóng cửa rừng tự nhiên thì nay phải khôi phục nâng cao trữ lượng, chất lượng, tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên; đồng thời ứng dụng công nghệ mới nâng cao năng suất, chất lượng của rừng trồng. Điều này đồng thời cũng nâng cao khả năng hấp thụ các-bon.
Khu vực Bắc Trung Bộ được lựa chọn vì tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học và tình hình kinh tế - xã hội. Toàn vùng có tổng diện tích tự nhiên khoảng 5,1 triệu ha (chiếm 16% diện tích đất của cả nước); trong đó 80% là đồi núi, bao gồm năm hành lang bảo tồn đã được quốc tế công nhận. Diện tích rừng của khu vực trên 3,1 triệu ha, tỷ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%.
Việt Nam là nước thành viên của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Tại hội nghị lần thứ 21, Việt Nam cùng nhiều quốc gia đã đề xuất và cam kết triển khai sáng kiến chương trình giảm phát thải để chi trả dựa vào kết quả. Cũng tại đây, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Nếu có sự hợp tác có hiệu quả của các quốc gia, sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam có thể giảm tới 25% lượng phát thải.
Trong sáng kiến này, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Quỹ FCPF cũng như nhiều tổ chức khác nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng có 10 năm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện cơ chế tín chỉ các bon.
Năm 2018, FCPF đã công nhận Việt Nam cơ bản là hoàn thành giai đoạn chuẩn bị thực thi giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng các-bon rừng (REDD+).
Việt Nam đã có chương trình quốc gia thực thi REDD+ và luật hóa chương trình này trong Luật Lâm nghiệp. Tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp đã quy định giảm phát thải như là một loại dịch vụ môi trường rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng Quỹ FCPF ký ý định thư và chuyển sang giai đoạn mới là giai đoạn chi trả dựa vào kết quả.