'Việt Nam có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á'
PGS TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, có thể vươn tầm châu Á.
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong các đột phá chiến lược thời gian tới, được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030.
Theo các nhà quan sát, giữa bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có thể giúp nâng cao năng suất lao động, tạo ra những giá trị gia tăng mới, giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP.
Đây cũng là một trong những điểm mới trong dự thảo văn kiện kinh tế - xã hội trình Đại hội Đảng lần thứ XIII đang được lấy ý kiến rộng rãi. Nhân dịp này, Zing có cuộc phỏng vấn PGS TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia TP.HCM.
Ông Quân cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, có nhiều năm nghiên cứu kinh tế số và đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa, lý thuyết tăng trưởng và phát triển kinh tế bị thay đổi khi có các nhân tố mới xuất hiện.
Tôi lấy ví dụ sức lao động và tài nguyên thiên nhiên vốn là những nhân tố truyền thống quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Theo thời gian, các nhân tố mới như công nghệ cao, nguồn lực trí tuệ con người, tri thức và đổi mới sáng tạo xuất hiện làm cho mô hình tăng trưởng kinh tế bị thay đổi.
Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt được bằng cách đầu tư vào nguồn lực con người, đổi mới sáng tạo và tri thức. Tôi cho rằng tri thức là nhân tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng.
Như vậy, nếu chúng ta đầu tư vào tri thức sẽ tạo ra tăng trưởng cả về năng suất và hiệu quả trong quá trình sản xuất, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, hạn chế khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Đó cũng là lý do mà nhiều quốc gia đang hình thành và phát triển kinh tế tri thức, thay đổi các nhân tố tăng trưởng và tăng khả năng cạnh tranh. Hay nói cách khác, nhiều quốc gia trên thế giới gần đây đã tập trung đầu tư vào nguồn lực con người, tri thức và đổi mới sáng tạo để cải thiện năng suất lao động và phát triển bền vững.
- Kinh tế tri thức trong bối cảnh hiện nay là gì thưa ông?
- Chúng ta đang bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng này đã thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển qua một giai đoạn mới, thường được biết đến với tên gọi kinh tế tri thức số, hay còn gọi là kinh tế số, kinh tế chia sẻ.
Trong nền kinh tế tri thức số, các tri thức mới được tạo ra từ dữ liệu lớn dựa vào AI. Mô hình này bao gồm 3 tầng.
Thứ nhất, ở tầng cơ sở, dữ liệu và thông tin được trao đổi, thu thập thông qua các thiết bị kết nối như Internet vạn vật, điện thoại di động, camera…
Thứ hai, ở tầng trung gian dữ liệu sẽ được chuyển về các trung tâm lưu trữ điện toán đám mây thông qua hệ thống mạng Wi-Fi, 5G… Tại đây, dữ liệu sẽ được lưu trữ, xử lý và sử dụng các công nghệ điện toán đám mây tiên tiến.
Thứ ba, ở tầng trên cùng, các thuật toán về trí tuệ nhân tạo được áp dụng trên nền tảng dữ liệu lớn để tạo ra các tri thức mới, sản phẩm mới, giá trị mới, áp dụng trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội.
- Đúng vậy! Như chúng ta đã thấy, kinh tế tri thức số đã chứng kiến sự hình thành và phát triển vượt bậc của nhiều tập đoàn công nghệ mới. Năm 2006 chỉ có Microsoft và GE là tập đoàn công nghệ nằm trong nhóm 10 tập đoàn lớn nhất thế giới. Khi đó, các lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhiên liệu xăng dầu chiếm đa số.
Mười năm sau, tức năm 2016, có 7 trên 10 tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm Google, Facebook, Amazon. Riêng Apple đã trở thành tập đoàn lớn nhất thế giới với doanh thu vượt mốc 2.000 tỷ USD vào tháng 8/2020.
Điểm đáng quan tâm là các tập đoàn công nghệ này đều hoạt động theo mô hình kinh tế tri thức số, tận dụng lợi thế phát triển của công nghệ thông tin, giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng khách hàng rất lớn thông qua các nền tảng số, trong đó dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo là hai thành phần quan trọng nhất.
Theo dự báo của tổ chức McKinsey công bố năm 2018 thì đến năm 2030, 70% công ty trên toàn thế giới sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo và GDP toàn cầu sẽ tăng 13.000 tỷ USD; tỷ lệ tự động hóa đối với tất cả công việc ở Mỹ sẽ là 38%, ở Nhật Bản là 24% và ở Hàn Quốc là 22% và trung bình ở các nước OECD sẽ là 14%. Điều này có nghĩa là nhiều việc làm sẽ được tự động hóa, robot hóa, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng.
Trí tuệ nhân tạo cũng góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình thêm 3 năm; nâng độ chính xác chẩn đoán bệnh lên 95%; tăng năng suất lao động thêm 10%; cải tiến độ chính xác dự báo tài chính lên 95%; nâng tỷ lệ điều tra, phá án thành công lên 90%; giảm diện tích rừng bị tàn phá 10%.
Tôi cho rằng giữa bối cảnh đó, cơ hội của Việt Nam là rất lớn và chúng ta có thể đưa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP giai đoạn tới. Chúng ta cũng có thể giúp hình thành những doanh nghiệp lớn nhờ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trí tuệ nhân tạo cũng tạo ra những thách thức cho nhân loại.
Thách thức thứ nhất là tốc độ thay đổi diễn ra nhanh hơn so với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Để đạt được con số 50 triệu người dùng thì chiếc điện thoại bàn cần 75 năm, chiếc TV cần 25 năm; nhưng trò chơi Pokemon Go chỉ cần đúng 19 ngày.
Thách thức thứ hai là xuất hiện hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến như công nghệ 5G. Con người không chỉ gặp gỡ, giao tiếp bằng lời nói và chữ viết như trước. Giờ đây, chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho hình thức giao tiếp với mạng xã hội, với các loại thiết bị, robot.
Thách thức thứ ba, rất quan trọng đó là xuất hiện những câu hỏi mới chưa có trong quá khứ, chưa có trong đó 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Một trong số những câu hỏi đó là khả năng bị thay đổi về hành vi, về cảm xúc của con người trước sự gia tăng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Hay nói cách khác, phải chăng hành xử của con người đang bị ảnh hưởng bởi công nghệ nhiều hơn so với 3 cuộc cách mạng trước đó.
Các thách thức này đặt ra trách nhiệm của giáo dục đại học trong việc phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học để đáp ứng sự thay đổi, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức.
- Tôi thấy thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong nghị quyết có 8 nhóm chủ trương, chính sách lớn, trong đó có chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển.
Tôi cho rằng đây là nội dung rất hay bởi nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong kinh tế tri thức số. Nếu đào tạo được đội ngũ sinh viên có phẩm chất và năng lực thì mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh là hoàn toàn khả thi.
- Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao thì giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng. Là lãnh đạo một trong những đại học lớn nhất cả nước, ông có đề xuất gì để giáo dục đại học nhanh chóng đáp ứng thay đổi mà thời cuộc đặt ra?
- Tôi nhớ lại hội nghị hiệu trưởng các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á tổ chức năm 2018 ở Brunei, vấn đề đào tạo đáp ứng sự thay đổi đã được thảo luận. Có một từ khóa được nhắc nhiều trong hội thảo này là “tích hợp”.
Chúng tôi nhấn mạnh cần tích hợp nội dung, chuyển từ đào tạo đơn ngành sang hướng đào tạo đa ngành, cân bằng giữa khoa học công nghệ và khoa học xã hội. Đồng thời, cần tích hợp lý thuyết và thực tiễn, khuyến khích phương pháp học chủ động, học bằng trải nghiệm; tích hợp công nghệ với nội dung và phương pháp giảng dạy.
Đại học Quốc gia Singapore đã đề xuất 5 phẩm chất, hay còn gọi là 5 giá trị cốt lõi của người tốt nghiệp đại học trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của công nghệ, của hội nhập quốc tế và của toàn cầu hóa.
Đó là: Có kiến thức toàn diện và liên ngành, thay vì chỉ đào tạo đơn ngành như trước; có kiến thức về hội nhập quốc tế, các giá trị đa văn hóa và có kỹ năng ngoại ngữ; có trải nghiệm thực tiễn thông qua đào tạo gắn kết với doanh nghiệp; có nền tảng tự phát triển lâu dài thông qua khả năng tự học, học tập suốt đời; có tinh thần khởi nghiệp.
Thời gian tới, Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xây dựng các giải pháp, các sản phẩm phát triển kinh tế tri thức ở TP.HCM là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Chúng tôi sẽ chủ động tích cực tham gia các đề án trong chương trình đột phá phát triển nhân lực. Đó là đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực giai đoạn 2020-2025 và đại học chia sẻ; đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2020-2030; đề án y tế thông minh; chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Đại học Quốc gia TP.HCM cũng sẽ chủ động tham gia chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM với các ngành là công nghệ thông tin, truyền thông, cơ khí, tự động hóa, du lịch, kinh tế chia sẻ…
- Là một trong những chuyên gia hàng đầu về AI tại Việt Nam, theo ông, cơ hội của Việt Nam trong lĩnh vực này là gì? Nếu làm tốt, AI có thể đóng góp ra sao cho kinh tế Việt Nam trong tương lai?
- Từ năm 2008, các cường quốc trên thế giới đã có những bước chuẩn bị về công nghệ cao với hàng loạt đầu tư vào mảng AI. Tổng kim ngạch toàn thế giới rót cho AI giai đoạn 2008-2017 lên đến 1.047 tỷ USD. Trong số này, Mỹ chiếm hơn 50% (694 tỷ USD). Trung Quốc cũng bổ sung rất nhiều tiền đầu tư cho AI, chiếm phần lớn trong tổng số 1.729 tỷ USD của chiến lược “Made in China 2025” với tham vọng đưa quốc gia Đông Á này vươn lên dẫn đầu công nghiệp AI năm 2030.
Trong khi đó ở Việt Nam, chưa hình thành rõ nét một chiến lược có sự đầu tư tập trung dài hạn, theo định hướng và theo chuẩn công nghệ thông tin. Chưa bàn đến AI, công nghệ thông tin chỉ mới được xem là công cụ lao động, chưa thực sự được nhận thức là phương tiện quan trọng của hoạt động thương mại. Đầu tư cho công nghệ thông tin bị mất cân đối, thiên về đầu tư cho thiết bị.
Trong bối cảnh chung về xu hướng phát triển của AI, cũng như hiện trạng công nghệ cao trên thế giới và trong nước, chúng tôi đề xuất chiến lược cải tiến và phát triển công nghệ AI từng bước với 3 nội dung chính. Thứ nhất là làm chủ công nghệ AI bằng cách tập trung vào big data, các hệ thống thông minh, lý thuyết máy học nền tảng… Sau đó cải tiến công nghệ AI, nghĩa là phát triển AI theo hướng ứng dụng. Điển hình như áp dụng cho y tế, giao thông, an ninh, nông nghiệp, quốc phòng…
Cuối cùng là sáng tạo công nghệ AI, Việt Nam có đầy đủ nhân lực, công nghệ, và nền tảng AI để tự do sáng tạo theo định hướng phát triển của đất nước
Trong giai đoạn tới, có thể tiến hành xây dựng và triển khai các ứng dụng thông minh cho một số ngành trọng điểm như y tế, giao thông, nông nghiệp, tài chính, hành chính, quốc phòng...
Chúng ta cũng có thể ứng dụng công nghệ AI là nhắm đến hoàn thiện đô thị thông minh tại TPHCM năm 2030. Đó là sự kết hợp giữa công nghệ, ứng dụng, và nền tảng IoT. Công nghệ và ứng dụng AI đã có được từ các chiến lược CL1-4, do đó cần phải đầu tư bổ sung cho hạ tầng IoT mới có khả năng hoàn thiện đô thị.