Việt Nam có thị phần bán lẻ trực tuyến phát triển nhanh thứ hai tại Đông Nam Á
Điều này đồng nghĩa với tiềm năng tăng trưởng khổng lồ cho các cá nhân và doanh nghiệp bán lẻ qua kênh này tại Việt Nam.
Nghiên cứu động lực mua hàng trực tuyến toàn cầu của UPS đánh giá các thói quen mua sắm và sở thích của người tiêu dùng từ trước khi đặt hàng đến sau khi nhận được hàng. Nghiên cứu năm 2019 được tiến hành từ tháng 12/2018 đến tháng 1/2019, dựa trên khảo sát 18.000 người mua hàng trực tuyến toàn cầu do PwC thực hiện, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 4.023 đáp viên tại Úc, Trung Quốc, Hồng Kông và Hàn Quốc.
Sylvie Van den Kerkhof - Phó Chủ tịch Phòng Marketing của UPS ở châu Á - Thái Bình Dương - nhận định: “Người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng am hiểu về các tùy chọn khi mua sắm trực tuyến và điều này làm tăng nhu cầu tiếp cận thông tin và rõ ràng trong quá trình mua hàng, cũng như sự linh hoạt trong quá trình vận chuyển. Càng có nhiều lựa chọn mua sắm trực tuyến, sức cạnh tranh càng cao, thì kỳ vọng của khách hàng càng phức tạp và các nhà bán lẻ càng cần phải nhanh chóng dẫn đầu xu thế. Để thành công trong mô hình thương mại điện tử, ưu đãi không chỉ được cung cấp ở một mặt hàng sản phẩm, mà cũng cần được áp dụng với trải nghiệm khách hàng trong khâu giao nhận".
Giám đốc điều hành của UPS Thái Lan và Việt Nam - Russell Reed - cũng cho biết: “Nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có thị phần bán lẻ trực tuyến phát triển nhanh thứ hai tại Đông Nam Á với tổng giá trị của thương mại điện tử dự kiến sẽ tăng 85% trong giai đoạn 2019-2023. Sự bùng nổ trong mua sắm trực tuyến cộng hưởng với hỗ trợ từ chính phủ, các hiệp định thương mại quốc tế có giá trị và lợi thế về mặt địa lý của quốc gia trong khu vực đồng nghĩa với tiềm năng tăng trưởng khổng lồ cho các cá nhân và doanh nghiệp bán lẻ qua kênh này tại Việt Nam. Nghiên cứu động lực mua hàng trực tuyến của UPS cung cấp các phân tích có giá trị giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể mở rộng và củng cố dữ liệu khách hàng quốc tế bằng cách đáp ứng nhu cầu của khách hàng".
Nghiên cứu của UPS cũng đưa ra những kết quả cụ thể, như: 42% khách hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương xem xét chính sách đổi trả hàng trước khi mua; 5% người mua trả lời "rất hài lòng" với quy trình đổi trả; 93% khách hàng không được đáp ứng dịch vụ sẽ hạn chế số lần giao dịch hoặc ngừng mua hàng từ nhà cung cấp đó; 36% người tiêu dùng trong khu vực ưu tiên nhận hàng tận tay tại nhà… Ngoài việc mua trực tiếp từ một nhà bán lẻ, người mua sắm ngày càng ưa chuộng mô hình thương mại điện tử với 93% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thực hiện giao dịch tại các trang thương mại điện tử trong vòng ba tháng vừa qua.
Đặc biệt, năm 2019 lần đầu tiên UPS nghiên cứu tìm hiểu phân tích thói quen thu mua của doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp thu mua tư duy như người tiêu dùng. Cụ thể, 96% doanh nghiệp tại châu Á xem trọng tính năng theo dõi chuyến hàng của mình; 92% doanh nghiệp muốn tất cả khâu giao nhận được quản lý bởi nhà cung cấp hoặc công ty vận chuyển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ở châu Á - Thái Bình Dương còn có xu hướng giao dịch qua nền tảng thương mại điện tử nước ngoài cao hơn mức trung bình toàn cầu với 71% doanh nghiệp giao dịch trên sàn quốc tế.
Van den Kerkhof cho biết: "Nghiên cứu động lực mua hàng trực tuyến toàn cầu của UPS cho thấy cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có vô vàn lựa chọn và đều mong muốn giao dịch theo cách của riêng mình. Trong một sân chơi đông đúc như thương mại điện tử, các kết quả phân tích tiết lộ bởi nghiên cứu này có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn trong việc giúp các doanh nghiệp đi trước một bước, trong hôm nay, hôm sau và năm kế tiếp".