Việt Nam coi trọng hoạt động hợp tác với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới
Đại sứ Mai Phan Dũng nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam với sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cam kết cắt giảm khí thải thì việc áp dụng công nghệ mới là giải pháp quan trọng.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Mai Phan Dũng ngày 9/4 đã tiếp và làm việc với Vụ Châu Á-Thái Bình Dương, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) về tình hình hợp tác giữa WIPO và Việt Nam.
Tại buổi làm việc với Vụ trưởng Vụ Châu Á-Thái Bình Dương của WIPO, ông Andrew Ong và một số chuyên gia cao cấp của Vụ liên quan đến tình hình hợp tác giữa WIPO và Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Đại sứ Mai Phan Dũng bày tỏ sự vui mừng trước sự hợp tác chặt chẽ giữa WIPO và Việt Nam.
Đại sứ khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế và nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cam kết cắt giảm khí thải thì việc áp dụng công nghệ mới là giải pháp quan trọng.
Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Châu Á-Thái Bình Dương của WIPO cũng đã điểm lại các hoạt động hợp tác với Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là với Cục Sở hữu Trí tuệ, Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)…
Trong đó, một số lĩnh vực hợp tác song phương nổi bật như thành lập Viện Đào tạo sở hữu trí tuệ tại Việt Nam nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho các chuyên gia, doanh nhân và công chức; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam tham gia các mạng lưới trực tuyến của WIPO, cho phép họ chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ trong kinh doanh; đưa sở hữu trí tuệ vào chương trình đào tạo các nhà ngoại giao trẻ và các nhà đàm phán thương mại; hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện pháp luật liên quan đến đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nâng cao kỹ năng cần thiết để tiếp cận và sử dụng tốt nhất các cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ toàn cầu; hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các chỉ số đổi mới sáng tạo tùy chỉnh theo cấp địa phương.
Ngoài ra, hai bên cũng đang thực hiện Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm triển khai chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia của Việt Nam. Phía WIPO cũng đã đón tiếp nhiều đoàn cấp cao của Việt Nam cả ở cấp trung ương và địa phương.
Ông Andrew Ong cho biết WIPO rất coi trọng hoạt động hợp tác với Việt Nam và cho rằng Việt Nam là một điểm sáng trong hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ.
Ông Andrew Ong rất ấn tượng về các “câu chuyện” thành công của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong việc áp dụng kiến thức về sở hữu trí tuệ trong kinh doanh và cho biết WIPO cũng đã chia sẻ những ví dụ này trên trang web của WIPO để khuyến khích, lan tỏa hơn nữa cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, tiếp cận các thị trường mục tiêu, tăng cường xuất khẩu.
Đại sứ Mai Phan Dũng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ có hiệu quả của WIPO trong việc triển khai các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Việt Nam.
Đại sứ cam kết sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác giữa Phái đoàn Việt Nam tại Geneva với WIPO và mong muốn WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ./.