Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển đô thị
Mục tiêu đến năm 2030 là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh...
Với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ở mức 42,6% hiện nay, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển đô thị. Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại Phiên toàn thể, Diễn đàn “Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023” diễn ra chiều ngày 8/11 tại Hà Nội.
“Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định đô thị hóa là tất yếu, là động lực của phát triển đô thị. Với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ở mức 42,6% hiện nay, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển đô thị. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị tốt nhất trong thời gian tới, để đô thị thực sự phát huy vai trò mà Bộ Chính trị đã chỉ ra, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng sống của cộng đồng và gia tăng những giá trị thặng dư mới cho phát triển kinh tế - xã hội và môi trường” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Cùng với sự kiện thường niên "Ngày đô thị Việt Nam" (8/11), Diễn đàn là cơ hội để các chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng đối thoại, chia sẻ, kết nối tri thức, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng đề xuất, định hướng trong phát triển bền vững đô thị.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023 diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề riêng về lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị. Qua đó, khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược với những yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng cho phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thành tựu trong phát triển đô thị Việt Nam sau 35 năm đổi mới đã được Nghị quyết tổng kết: Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị; trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 42,6%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, vẫn còn nhiều bất cập cần tập trung giải quyết trong quá trình đô thị hóa như: tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới.
Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị…
Để khắc phục tồn tại và nhanh chóng đưa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 11/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới.
Cùng với việc thể chế hóa, cơ bản hoàn thiện chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, cần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị…, đưa kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; tăng chất lượng sống tại khu vực đô thị ở mức cao…
Chương trình hành động của Chính phủ cũng xác định 11 chỉ tiêu cụ thể về hệ thống đô thị; hình thái đô thị và liên kết đô thị; tỷ lệ đô thị hóa; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cơ cấu kinh tế đô thị phấn đấu đạt được đến năm 2025 và năm 2030; trong đó, đã cụ thể hóa bằng 5 nhiệm vụ chủ yếu và 33 nhiệm vụ cụ thể với 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, đề án, văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện và 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng biến đổi khí hậu.
“Đây là căn cứ để các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các chính quyền đô thị xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng Bộ, cơ quan và đô thị theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra” -Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hiển – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay, 60/63 địa phương đã xây dựng và ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW (còn 3 địa phương đã dự thảo và trình tỉnh/thành ủy). Nội dung chương trình, kế hoạch của địa phương đã thể hiện được nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng đến sự cần thiết phải đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh và bền vững; coi đó là những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm.
Nhiều nơi đã thể hiện đầy đủ nhiệm vụ, giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương đối với việc xây dựng, thực hiện chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển kinh tế khu vực đô thị; giải pháp phát triển thống nhất trong chỉ đạo từ các cấp, ngành và quán triệt sâu rộng, thực hiện nghiêm túc.
Nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái đề xuất xây dựng 5 chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Cụ thể là phân loại, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới và phù hợp vùng miền; quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị hiện đại, xanh, thông minh, hướng tới phát triển bền vững.
Bên cạnh đó là quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý phát triển không gian ngầm đô thị; tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị.
Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023 có 3 hội thảo chuyên đề với các nội dung thiết thực như: Quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững; Chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị; Phát triển đô thị thân thiện với môi trường và chống chịu biến đổi khí hậu.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/viet-nam-con-nhieu-du-dia-de-phat-trien-do-thi/314484.html