Việt Nam còn nhiều dư địa hợp tác công nghệ chăn nuôi với Ireland

Công nghệ chăn nuôi của Việt Nam đang thiếu đồng bộ và không đồng đều, trong khi đây lại là ngành có độ mở kinh tế thị trường lớn nên đang tạo ra nhiều dư địa hợp tác với Ireland vốn có thế mạnh trong lĩnh vực này.

Ireland đưa ra sáng kiến 100 triệu Euro hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ireland đưa ra sáng kiến 100 triệu Euro hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việt Nam và Ireland có quan hệ hợp tác bền vững, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Tại Hội nghị kết nối Ireland - Việt Nam: Nông nghiệp trong thời đại 4.0, chiều 8/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho biết, trong hơn 30 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách nhằm cơ cấu lại nền nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp sản xuất hàng hóa.

Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với nhiều mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Các mặt hàng như cá ngừ, basa, cà phê, tôm, hạt điều đã có vị trí vững chắc trên thị trường, chiếm ưu thế đối với nhiều thị trường trên thế giới.

Dù vậy, theo Thứ trưởng Đông, nông nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt là về cơ giới hóa, trong khi đây là điều kiện quan trọng hàng đầu để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ cũng không bền vững, tổ chức liên kết sản xuất còn yếu và hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

“Trong khi đó, lĩnh vực nông sản và thực phẩm của Ireland có thế mạnh hàng đầu thế giới do đã ứng dụng công nghệ cao. Điều này cho thấy, hai nước còn nhiều dư địa phát triển để hợp tác, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam tiếp cận nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm của Ireland”.

Làm rõ hơn về dư địa hợp tác trong lĩnh vực này, TS. Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, nói đến nông nghiệp của Ireland là nói đến chăn nuôi bởi có đến 90% diện tích đất của Ireland là đồng cỏ.

“Nông nghiệp Việt Nam hiện chưa có diện tích riêng cho chăn nuôi. Trong bối cảnh các FTA đang mang đến nhiều cơ hội nhưng vùng chăn nuôi thì chưa có, liệu thực trạng này có đang tạo ra áp lực cho Việt Nam hay không”, ông Dương đặt câu hỏi.

Đáng chú ý, theo TS. Nguyễn Xuân Dương, hiện nay công nghệ chăn nuôi của Việt Nam thiếu đồng bộ và không đồng đều. Cụ thể, chăn nuôi bò và chế biến sữa là nhóm có công nghệ đồng bộ, nhưng chủ yếu xuất xứ từ EU, Mỹ, chiếm khoảng 60% tổng đàn bò sữa.

Khu vực chăn nuôi lợn, gà có công nghệ hiện đại chiếm 30% tổng đàn, cũng xuất xứ từ Mỹ, EU, Đài Loan. Công nghệ giết mổ, chế biến chỉ có 20% hàm lượng công nghệ cao, còn lại là tình trạng chắp vá và lạc hậu.

Ngoài ra, ông Dương cũng cho biết, chăn nuôi Việt Nam còn tồn tại những thách thức lớn đến từ mật độ đơn vị chăn nuôi đang ở mức cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hạn chế khả năng phát triển. Áp lực cạnh tranh thị trường của các sản phẩm chăn nuôi lớn, nhất là khi các nước trong CPTPP, EVFTA đều có không gian và trình độ chăn nuôi tốt hơn Việt Nam.

“Những thách thức đó đặt ra yêu cầu cần có công nghệ, cách thức chăn nuôi an toàn sinh học và chăn nuôi tuần hoàn là rất cần thiết đối với nông nghiệp Việt Nam. Nhất là trước áp lực chăn nuôi sẽ đóng góp 30% vào mục tiêu giảm phát thải về 0 năm 2050”, ông Dương cho biết.

“Điều này cho thấy Việt Nam còn nhiều dư địa hợp tác công nghệ chăn nuôi đối với Ireland. Trong khi, ngành chăn nuôi Việt Nam có độ mở kinh tế thị trường lớn, là cơ hội để du nhập các các công nghệ tiên tiến, giống mới của thế giới vào sản xuất trong nước”.

TS. Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam

“Hầu hết vốn đầu tư cho sản xuất ngành chăn nuôi đều do tư nhân và khối FDI đầu tư, nên có tính linh hoạt và thích ứng nhanh với những biến động thị trường”, TS. Nguyễn Xuân Dương chỉ ra thuận lợi để Việt Nam và Ireland đẩy mạnh hợp tác công nghệ chăn nuôi.

Sáng kiến 100 triệu Euro hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Trước dư địa hợp tác công nghệ chăn nuôi giữa hai nước được phía Việt Nam chỉ ra còn nhiều, Quốc Vụ khanh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland Martin Heydon khẳng định, nước này mong muốn tăng cường quan hệ thương mại giữa doanh nghiệp hai quốc gia trên cơ sở lợi ích chung giữa hai nước.

Ông Martin Heydon cho biết, trong bối cảnh chung về thương mại song phương, hai nước đã có sự tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Ireland xuất khẩu hơn 30 triệu Euro thực phẩm và đồ uống sang thị trường Việt Nam vào năm 2021, tăng 55% so với năm 2020.

Trong khi đó, lượng xuất khẩu ở chiều ngược lại từ phía Việt Nam tăng từ 9,7 triệu lên 19,7 triệu Euro. Xu thế này cho thấy, Việt Nam cũng có thể tận dụng nhiều cơ hội trong xuất khẩu nông sản sang Ireland.

Chiến lược của Ireland là xây dựng nền nông nghiệp bền vững, an toàn trong tầm nhìn 10 năm với các sản phẩm hàng đầu thế giới. Quốc đảo này đầu tư mạnh mẽ vào hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

“Dựa trên các kết quả nghiên cứu có thể tăng nhận thức cho người nông dân cũng như nỗ lực hướng tới các công nghệ thân thiện, phát triển nền kinh tế xanh. Ireland có mạng lưới đầu tư rộng rãi và chiến lược rõ ràng với mục tiêu giúp các doanh nghiệp nhận hỗ trợ có những sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh được trên thế giới”, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Ireland Martin Heydon

“Là một trong những nước châu Âu đầu tư tích cực nhất về công nghệ nông nghiệp, chúng tôi đưa ra sáng kiến 100 triệu Euro hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Sáng kiến này không chỉ để giải quyết các thách thức đang tồn tại còn để tận dụng cơ hội trong những năm tiếp theo”.

Chia sẻ kinh nghiệm cụ thể, Giám đốc Nhóm tư vấn quốc tế của Ireland đưa ra dẫn chứng, chi phí sản xuất nông nghiệp của Ireland năm 2019 đã thấp hơn nhiều so với năm 2015, do tận dụng công nghệ và thực hiện đầu tư phát triển bền vững.

“Chỉ số thực phẩm an toàn toàn cầu của Ireland đứng thứ 5 thế giới. Chính phủ Ireland không sử dụng phương pháp tiếp cận từ trên xuống mà sử dụng phương pháp tiếp cận gắn kết từ các đơn vị nông hộ trở lên. Các bên liên quan sẽ cùng tham gia vào quy hoạch ngành nông nghiệp xây dựng chiến lược thực phẩm nông nghiệp bền vững”, vị chuyên gia này cho biết thêm.

“Tính đồng thuận sẽ tăng cường khả năng đồng thiết kế, đồng sáng tạo từ chính những người sản xuất nông nghiệp trong các nông trại. Một Ủy ban triển khai cấp cao được thành lập, do Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải điều hành trực tiếp sẽ họp định kỳ để điều tiết”, đại diện nhóm tư vấn quốc tế của Ireland chia sẻ kinh nghiệm.

Vì sao Ireland chọn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp?

Vì sao Ireland chọn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp?

Đại sứ Ireland tại Việt Nam John McCullagh: Vì đây là những lĩnh vực Ireland có thế mạnh và có khả năng hỗ trợ tốt nhất cho Việt Nam.

Chúng tôi có những kế hoạch trong thời gian tới dựa trên 3 nền tảng sẵn có, gồm: Phát triển sản xuất thực phẩm bền vững; đảm bảo an toàn thực phẩm; phát triển thương mại và chất lượng an toàn thực phẩm. Đây là 3 thế mạnh mà Ireland sẽ đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp với Việt Nam trong 5 năm tới.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-con-nhieu-du-dia-hop-tac-cong-nghe-chan-nuoi-voi-ireland-post11030.html