Việt Nam cử thêm 3 cán bộ phòng chống thiên tai sang Myanmar hỗ trợ sau động đất

Các cán bộ của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai sẽ làm nhiệm vụ liên quan điều phối chính, tổng hợp thông tin đồng thời đánh giá nhanh và điều phối hỗ trợ viện trợ quốc tế.

Ngày 1/4, thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết một số cán bộ của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai vừa đặt chân đến Myanmar, để cùng với các đồng nghiệp của các quốc gia ASEAN, tham gia vào hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả sau "thảm họa" động đất.

Đoàn công tác gồm 26 thành viên từ 10 nước ASEAN sẽ đánh giá nhanh tình hình thiệt hại tại Myanmar trong vòng 14 ngày (từ ngày 30/3-12/4), trong đó Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cử 3 thành viên tham gia Đoàn công tác đã đến Yangon, Myanmar vào tối qua (31/3).

Các cán bộ của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) sẽ làm nhiệm vụ liên quan điều phối chính, tổng hợp thông tin đồng thời đánh giá nhanh và điều phối hỗ trợ viện trợ quốc tế.

3 cán bộ phòng chống thiên tai được cử sang Myanmar hỗ trợ sau động đất.

3 cán bộ phòng chống thiên tai được cử sang Myanmar hỗ trợ sau động đất.

Tại Myanmar, những tác động khủng khiếp đang được báo cáo, bao gồm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Tình trạng khẩn cấp cũng đang áp dụng và có hiệu lực ở 6 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất như: Mandalay, Sagaing, Magway, bang Shan, Naypyidaw và Bago.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, cho biết người dân tại các khu vực bị tàn phá gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, trong khi các đội cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót và cung cấp viện trợ. Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) cũng cảnh báo rằng nhiều người dân lo sợ dư chấn nên không dám ở trong nhà, buộc phải ngủ ngoài trời trong điều kiện thiếu thốn và có nhu cầu cấp thiết về lều bạt.

Tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), lực lượng cứu hộ vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát của một tòa nhà chọc trời chưa hoàn thiện bị sập, do ảnh hưởng bởi dư chấn động đất.

Trước đó, các nước ASEAN đã thành lập lực lượng đánh giá nhanh và ứng phó khẩn cấp ASEAN (ASEAN-ERAT). Với hơn 10 năm hoạt động (từ 2011 đến nay), ASEAN-ERATđã chứng minh được hiệu quả trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai trong khu vực. Trong những giây phút khó khăn nhất của thảm họa thiên tai, sự đoàn kết và phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia ASEAN trở thành chỗ dựa vững chắc.

Cơ chế ASEAN-ERAT là minh chứng sống động cho nỗ lực không ngừng của ASEAN trong việc ứng phó kịp thời với thiên tai, không chỉ qua những đội ngũ chuyên môn, mà còn là sự thể hiện của lòng nhân ái, sự sẻ chia và tinh thần hợp tác trong công tác cứu trợ nhân đạo.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giữ vai trò đầu mối hợp tác quốc tế trong công tác quản lý thiên tai, đã tích cực tham gia vào cơ chế này.

Số người tử vong sau trận động đất kinh hoàng 7,7 độ tại Myanmar tiếp tục tăng cao. Đến hết ngày 31/3 được xác định là 2074 người tử vong trong đó 2.065 người tại Myanmar và 19 người tại Thái Lan.

Trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã khiến 2.074 người tử vong, trong đó 2.065 người ở Myanmar và 19 người tại Thái Lan. Hơn 3.900 người bị thương và nhiều tòa nhà bị sập, giao thông bị gián đoạn.

Các lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát dù cơ hội giảm dần sau 72 giờ, với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia châu Á gửi viện trợ và đội cứu hộ.

Tại Bangkok, Thái Lan, dấu hiệu sự sống đã được phát hiện dưới đống đổ nát của tòa nhà đang thi công. Số người chết tại hiện trường sập tòa nhà đã lên tới 19, với 75 người mất tích và cuộc điều tra về chất lượng công trình đang được tiến hành.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-cu-them-3-can-bo-phong-chong-thien-tai-sang-myanmar-ho-tro-sau-dong-dat-169250401200825397.htm