Việt Nam cùng OECD đóng góp cho khu vực
Năm 2022 ghi dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), khi Việt Nam lần đầu đảm nhiệm cương vị đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) trong khuôn khổ OECD. Đây cũng là năm đầu hai bên thực hiện Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giai đoạn 2022-2026, mở ra chương mới thúc đẩy quan hệ Việt Nam-OECD ngày càng hiệu quả, thực chất.
Được thành lập năm 1961, OECD hiện có 38 thành viên, chủ yếu là các nước phát triển trải dài từ Bắc và Nam Mỹ đến châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương. Mục tiêu hoạt động của OECD là định hình các chính sách thúc đẩy sự thịnh vượng, bình đẳng, cơ hội và hạnh phúc cho mọi người dân.
OECD trở thành diễn đàn, nơi các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và người dân cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn và thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế nhằm tìm ra các giải pháp cho hàng loạt thách thức xã hội, kinh tế và môi trường.
Việt Nam và OECD hợp tác chặt chẽ, thực chất và hiệu quả trong nhiều năm qua. Chính thức trở thành thành viên của Trung tâm phát triển OECD năm 2008, Việt Nam cũng là thành viên của Nhóm công tác về hiệu quả viện trợ của tổ chức này. Hai bên xây dựng và triển khai các kế hoạch song phương theo từng giai đoạn 2012-2015 và 2016-2020. Năm 2018, Việt Nam là đồng Chủ tịch Nhóm tham vấn xây dựng Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á của OECD nhiệm kỳ 2018-2021.
Hai sự kiện quan trọng mà Việt Nam phối hợp OECD tổ chức thành công tại Hà Nội là Diễn đàn OECD về khu vực Đông Nam Á (năm 2016) và Hội nghị khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực châu Á-Thái Bình Dương (năm 2019).
Trong giai đoạn 2019-2020, Việt Nam phối hợp OECD xây dựng Báo cáo “Đánh giá đa chiều của Việt Nam”, được đánh giá là tài liệu công phu, có giá trị tham khảo và là một nghiên cứu hữu ích cho quá trình xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) của Việt Nam.
Hợp tác giữa Việt Nam với OECD và các nước thành viên ngày càng sâu sắc, qua đó Việt Nam khai thác kinh nghiệm, tư vấn chính sách và hỗ trợ của OECD cũng như các nước thành viên trong thực hiện các mục tiêu hội nhập quốc tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, nguồn lực nước ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tháng 11/2021, nhân dịp đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Pháp, Việt Nam và OECD đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giai đoạn 2022-2026, tạo cơ sở vững chắc để hai bên tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa các thỏa thuận.
Năm 2014, theo sáng kiến của Nhật Bản, OECD chính thức công bố SEARP, với mục tiêu hỗ trợ tiến trình cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, cũng như khả năng hội nhập và liên kết của các nước khu vực Đông Nam Á. Một nước thành viên OECD và một nước không phải thành viên tổ chức sẽ giữ vai trò đồng Chủ tịch SEARP.
Tại cuộc họp lần thứ 8 Ban điều phối SEARP, tháng 12/2021, Việt Nam và Australia được đề cử đảm nhiệm cương vị đồng Chủ tịch SEARP nhiệm kỳ 2022-2025. Việc OECD mời Việt Nam đảm nhận cương vị này khẳng định sự ghi nhận vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và những đóng góp của Việt Nam đối với SEARP, tin tưởng Việt Nam có thể gắn kết hiệu quả OECD với khu vực trong các lĩnh vực quan tâm chung.
Việt Nam chủ trì Diễn đàn cấp cao OECD-Đông Nam Á tại Hà Nội, với tư cách đồng Chủ tịch SEARP nhiệm kỳ 2022-2025. Các đại biểu và quan chức cấp cao từ 38 nước thành viên OECD, các nước Đông Nam Á và các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế tham dự sự kiện. Đây là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ OECD-Đông Nam Á, đóng góp vào tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực. Sự kiện do Việt Nam chủ trì cũng gửi đi thông điệp về chủ trương của Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-cung-oecd-dong-gop-cho-khu-vuc-post720151.html