Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong chuyển đổi số
Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn cần nâng cao cơ hội tiếp cận số với các nhóm yếu thế.
84% dân số Việt Nam tiếp cận Internet
Chia sẻ tại Diễn đàn đa phương MSF 2024: Phát triển con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Samsung và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào chiều 18/10, ông Patrick Haverman - Phó Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: Việt Nam đã nhảy được 15 bậc, xếp vị trí thứ 71/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về chuyển đổi số.
"Việt Nam là một quốc gia đi sau trong tiếp cận Internet và nhanh chóng trở thành “công dân số” tích cực nhất trên thế giới với 84% dân số tiếp cận Internet, 78 triệu người sử dụng Internet để đọc tin tức, trong đó 72 triệu người hoạt động tích cực trên mạng xã hội. Đặc biệt, không chỉ tiếp cận Internet một cách thụ động, nhiều người dân Việt Nam còn sử dụng mạng xã hội để phát triển kinh tế” - ông Patrick Haverman nhấn mạnh.
Cũng đánh giá cao về tiềm năng của chuyển đổi số, kinh tế số tại Việt Nam, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết: Theo nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam của Tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.
Để tạo thuận lợi cho chuyển đổi số, kinh tế số, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, một trong những nhiệm vụ của Chiến lược là đảm bảo mục tiêu “Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào Việt Nam và niềm tin của người dân trên không gian số.”
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, đến năm 2030, sẽ phổ cập kỹ năng số cho mọi tầng lớp trong xã hội, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70% là một thách thức rất lớn; đặc biệt, đối với đối với những nhóm dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, để đảm bảo “thu hẹp khoảng cách số” cũng đang là một thách thức rất lớn trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất mạnh. Những nhóm người dân dễ bị tổn thương đang đứng trước nguy cơ tụt hậu hơn về kỹ năng số trong đời sống và công việc. Điều đáng lo ngại là vẫn còn một bộ phận lớn trong xã hội chưa được tiếp cận công nghệ số như người già, người khuyết tật, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa hay những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc sử dụng công nghệ số.
Ông Patrick Haverman cũng bày tỏ sự quan ngại về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, vấn nạn lừa đảo, mua bán thông tin cá nhân… trên môi trường số. Điều này sẽ tạo ra những tác động xấu và vô tình gia tăng khoảng cách số trong xã hội.
Đặt con người vào trung tâm của chuyển đổi số
Để khắc phục những tồn tại trên môi trường số, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, gia tăng cơ hội tiếp cận thông tin và cơ hội phát triển trên môi trường số, ông Patrick Haverman cho rằng: Cần có những công nghệ tiện lợi hơn cho con người, nhất là với những người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội.
"Muốn làm được như vậy cần đặt con người vào trung tâm của chuyển đổi số, giúp công nghệ có thể hỗ trợ cho tất cả mọi người” - ông Patrick Haverman nhấn mạnh và cho rằng, như vậy công nghệ sẽ nâng cấp chính sách và tạo công ăn việc làm cho người dân, kể cả người khyết tật, hỗ trợ trí tuệ nhân tạo cho dịch vụ công.
Cùng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần khuyến khích các nghiên cứu, các trao đổi để hiểu rõ hơn về nhu cầu và thách thức của nhóm người yếu thế, từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất để hỗ trợ người yếu thế tiếp cận kỹ năng số.
“Chúng ta cần thiết kế các khóa đào tạo phù hợp về kỹ năng số cho nhóm người yếu thế, giúp họ dễ hơn trong việc học tập và tự tin hơn trong việc tham gia vào thị trường lao động; cần khuyến khích các công ty công nghệ, các công ty khởi nghiệp (startup) tạo ra các sản phẩm công nghệ phục vụ cho người khuyết tật và nhóm người yếu thế, như ứng dụng giao tiếp, nền tảng học trực tuyến, hay công cụ hỗ trợ di chuyển. Ngoài ra, cần tạo dựng nhiều mạng lưới kết nối giữa các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhóm người yếu thế, để đảm bảo rằng các dịch vụ và sản phẩm công nghệ được phát triển theo nhu cầu thực tế của người yếu thế” - đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng: Cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ đã và đang mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho cả doanh nghiệp, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Chuyển đổi số đã giúp nâng cao mức độ tiếp cận với công nghệ, trình độ, kỹ năng số của người lao động trong công việc, đời sống, phát huy vai trò tiên phong của người lao động trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người lao động còn hạn chế về kiến thức công nghệ, khó tiếp cận các nền tảng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật…
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình chuyển đổi số, góp phần quan trọng hiện thực “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực và sẵn sàng hợp tác với các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, xác định những vấn đề cần cải thiện, đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp để “Xây dựng con người và công nghệ hướng tới một Việt Nam bao trùm số” nhằm thúc đẩy tầm nhìn bao trùm số: “Một Việt Nam số hóa, nơi công nghệ phục vụ cuộc sống của mọi người”, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Cũng cam kết hướng tới một Việt Nam bao trùm số, ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam - cho biết: Việt Nam, với một tầm nhìn năng động và sáng tạo, đang nhanh chóng nắm bắt cơ hội để vươn mình trở thành một quốc gia số hàng đầu.
“Trong bối cảnh này, Samsung cũng đã có những thảo luận sâu sắc với các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ cũng như các bên liên quan về những cơ hội không thể bỏ lỡ khi xây dựng một xã hội bao trùm số. Samsung luôn kỳ vọng về một xã hội bao trùm số tại Việt Nam - nơi mà mọi người đều có cơ hội tham gia và phát triển cùng với chuyển đổi số. Trong thời gian tới, Samsung cũng sẽ liên tục triển khai diễn đàn đa phương và nỗ lực vì sự hợp tác và phát triển của đối tác nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung” – ông Choi Joo Ho khẳng định.
Điểm nhấn quan trọng của Diễn đàn MSF 2024 là sự ra mắt Sáng kiến công nghệ bao trùm (InclusiveTech Initiative) do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) khởi xướng, với sự đồng hành của Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sáng kiến thể hiện tinh thần phụng sự xã hội, với phương châm: “Công nghệ không chỉ phục vụ sự tiến bộ của một số ít mà còn mang lại giá trị cho cả cộng đồng.”
Trong khuôn khổ Sáng kiến, Giải thưởng “InclusiveTech for Social Innovation – Công nghệ bao trùm vì lợi ích xã hội” sẽ được tổ chức hàng năm để tôn vinh những tổ chức và cá nhân xuất sắc. Giải thưởng này nhằm khuyến khích và lan tỏa những giải pháp công nghệ hòa nhập, thúc đẩy học hỏi và hợp tác, đồng thời góp phần đạt được các mục tiêu xã hội mà Sáng kiến hướng tới.
Tại MSF 2024, lần đầu tiên Giải thưởng “InclusiveTech for Social Innovation” đã vinh danh 15 sáng kiến xuất sắc. Các sáng kiến đã khai thác công nghệ để thu hẹp khoảng cách số, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận công nghệ cho các nhóm yếu thế và dễ tổn thương trong nhiều lĩnh vực. Những dự án nổi bật đã mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ rộng rãi hơn, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và hòa nhập.