Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn qua 35 năm đổi mới

Trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới, sáng 22-11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức buổi chia sẻ thông tin về tình hình Việt Nam tới các đại biểu quốc tế tham dự đại hội.

Phát biểu tại buổi “Gặp gỡ Việt Nam”, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga chào mừng các đại biểu và khách mời quốc tế đã đến Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới, đồng thời gửi cảm ơn Hội đồng Hòa bình thế giới đã tín nhiệm dành cho Việt Nam vinh dự lần đầu tiên đăng cai tổ chức Đại hội của Hội đồng.

Chia sẻ thông tin về Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã nêu bật những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chính sách đối ngoại của Việt Nam,cũng nhưđường lối phát triển đất nước trong thời gian tới.

 Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu tại sự kiện.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu tại sự kiện.

Theo đồng chí Nguyễn Phương Nga, trải qua 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Kinh tế xã hội ổn định và ngày càng phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt cả về mức sống và chất lượng cuộc sống. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố vững mạnh. An ninh quốc phòng được giữ vững, tăng cường. Đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Từ một đất nước có nền kinh tế lạc hậu, dựa trên nông nghiệp là chính, Việt Nam đã chuyển mình trở thành nền kinh tế đa dạng, có tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng lớn và cân đối trong tổng thể nền kinh tế quốc dân. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao. Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cùng xu hướng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được hình thành và bước đầu phát triển.

Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát.

 Bà Maria Ilda Da Costa Figueiredo, đại biểu đến từ Bồ Đào Nha chia sẻ cảm nhận tại buổi "Gặp gỡ Việt Nam".

Bà Maria Ilda Da Costa Figueiredo, đại biểu đến từ Bồ Đào Nha chia sẻ cảm nhận tại buổi "Gặp gỡ Việt Nam".

Về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Với việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Đồng chí Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định, Việt Nam đặc biệt chú trọng gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển, không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đến nay, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu Thiên niên kỷ, đang tích cực triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Giáo dục tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Hệ thống tổ chức y tế tiếp tục được kiện toàn. Quy mô, năng lực, chất lượng y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân có bước phát triển, tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Việc chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật và các nhóm yếu thế được quan tâm thực hiện, thông qua việc trợ cấp cho người khuyết tật, xây dựng các cơ sở đào tạo người khuyết tật; quan tâm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, chăm sóc người cao tuổi.

Đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam cũng đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực bình đẳng giới, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu...

Chia sẻ về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế của Việt Nam tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định, bền vững với các đối tác cả ở cấp độ song phương và đa phương, trên cả ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về đường lối phát triển đất nước trong thời gian tới, Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả. Mục tiêu tổng quát là phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đến giữa thế kỷ XXI trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tại buổi “Gặp gỡ Việt Nam”, các đại biểu và khách mời tham dự đều bày tỏ vui mừng, phấn khởi khi tới Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới; chia sẻ những cảm nhận tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam cũng như đánh giá cao vai trò của nước chủ nhà tại kỳ Đại hội lần này.

* Trước đó, Đoàn đại biểu dự Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tin, ảnh: NGỌC THƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/viet-nam-da-dat-duoc-nhung-thanh-tuu-to-lon-qua-35-nam-doi-moi-711744