Việt Nam đã hội đủ điều kiện chuyển COVID-19 sang Nhóm B

Sau 3 năm phòng, chống dịch đầy cam go, đến nay Việt Nam đã sẵn sàng để chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc Nhóm A sang Nhóm B và công bố hết dịch. Điều này khẳng định sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, vượt qua thử thách, đau thương, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, huy động mọi nguồn lực, bám sát thực tiễn, làm tốt công tác dự báo, tổ chức thực hiện linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhân viên y tế quận Đống Đa (Hà Nội) tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh trường THCS Bế Văn Đàn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nhân viên y tế quận Đống Đa (Hà Nội) tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh trường THCS Bế Văn Đàn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho công tác phòng, chống dịch

Trong khoảng hơn 2 năm (2020 - 2022), Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch với quy mô, mức độ lây lan nhanh, cùng sự biến đổi liên tục của SARS-CoV-2.

Trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam, đó là hai cha con người Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 23/1/2020 - chính thức đánh dấu cuộc chiến với dịch bệnh bắt đầu. Giai đoạn 1 tính từ ngày 23/1 đến ngày 24/7/2020, cả nước ghi nhận 415 ca mắc, không có bệnh nhân tử vong.

Sau 99 ngày không ghi nhận trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng, đợt dịch thứ 2 tiếp tục từ ngày 23/7/2020 với các trường hợp mắc mới tại Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố khác. Giai đoạn này kéo dài đến ngày 27/1/2021 với 1.136 trường hợp mắc COVID-19; 35 bệnh nhân tử vong do bệnh lý nền nặng.

Đợt dịch thứ 3 từ ngày 28/1 đến 26/4/2021 ở Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố khác, với 1.303 bệnh nhân, không có trường hợp tử vong.

Theo Bộ Y tế, cả 3 đợt dịch này có số ca mắc ở mức độ thấp, mỗi đợt chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, tập trung ở một số địa phương. Ngay từ khi dịch bắt đầu, cả hệ thống chính trị nước ta đã bám sát tình hình, thường xuyên, kịp thời có các giải pháp phù hợp, linh hoạt, sáng tạo. Công tác chỉ đạo được thực hiện thường xuyên, áp dụng các biện pháp ở mức cao hơn, sớm hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các Chỉ thị số 15/CT-TTg (ngày 27/3/2020), Chỉ thị số 16/CT-TTg (ngày 31/3/2022), Chỉ thị số 19/CT-TTg (ngày 24/4/2020) của Thủ tướng Chính phủ được ban hành kịp thời để các địa phương áp dụng phù hợp với các tình huống, diễn biến của dịch.

Nguyên tắc phòng, chống dịch ở ba giai đoạn này dựa vào 5 nguyên tắc cơ bản: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng dập dịch - Điều trị hiệu quả", cùng với công thức điều trị và công thức 5K: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế", giúp Việt Nam hạn chế thấp nhất các ca mắc và tử vong, được WHO và nhiều nước công nhận, đánh giá cao. Thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới vừa chống dịch hiệu quả, vừa có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020.

Giai đoạn 4, từ ngày 27/4/2021, bắt đầu được ghi nhận tại Đà Nẵng, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái, sau đó nhanh chóng lây lan ra các địa phương: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Phú Yên, Vĩnh Long và nhiều nơi khác...

Bộ Y tế đánh giá đợt dịch thứ 4 bùng phát có quy mô lớn, nhiều nguồn lây, nhiều chủng, ổ dịch, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước. Đặc biệt, dịch bệnh không chỉ xâm nhập vào một số cơ sở y tế, còn vào các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự kiện văn hóa, tôn giáo tập trung đông người, đô thị đông dân cư. Bên cạnh đó, còn có sự xâm nhập nguồn bệnh từ bên ngoài qua đường nhập cảnh.

Kiên định mục tiêu "đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết", công tác phòng, chống dịch được chuyển hướng kịp thời để ứng phó với dịch COVID-19. Phương châm phòng, chống dịch chuyển từ "zero COVID" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. "Công thức" phòng, chống dịch được áp dụng hiệu quả trong 3 đợt dịch trước được chuyển sang: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân cùng với 3 trụ cột:

Cách ly (hẹp nhất và chặt nhất có thể) - Xét nghiệm (thần tốc nhưng an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế) - Điều trị (từ xa, từ sớm, ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong). Cùng với cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, ngành Y tế đã huy động tổng lực - trên 25.000 giáo sư, y bác sỹ, các cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên các trường y, dược, với nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho công tác phòng, chống dịch.

Nỗ lực "phủ xanh" vaccine phòng COVID-19

Với tầm nhìn xa và giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng, Nhà nước ta đã quyết tâm thực hiện chiến lược vaccine. Chiến lược tập trung vào việc nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất và phát triển vaccine trong nước để chủ động nguồn và tiêm miễn phí vaccine cho nhân dân.

Ngày 24/2/2021, lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam, được ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu và các tỉnh, thành phố vùng tâm dịch, có dịch. Vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Tiếp đó, ngày 10/7/2021, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử đã được phát động.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định thông điệp, quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng toàn thể nhân dân Việt Nam trong kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường. Chiến dịch được triển khai trên quan điểm thống nhất là "tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai".

Với nỗ lực "phủ xanh" vaccine phòng COVID-19; tập trung nguồn lực ứng phó dịch bệnh, đến giữa và cuối năm 2022, tình hình dịch bệnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cả nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP. Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 ở mức cao.

Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định: Việt Nam đã làm rất tốt việc quản lý đại dịch. Ngay từ đầu cuộc chiến chống dịch COVID-19, Việt Nam đã có các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng thực sự mạnh mẽ để ứng phó với COVID-19.

Việt Nam đã phát hiện sớm, ứng phó với các trường hợp; các biện pháp kiểm soát biên giới mạnh mẽ, hạn chế tiếp xúc xã hội, ngăn chặn sự lây truyền của virus; tuân thủ tốt hành vi bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang; việc chăm sóc sức khỏe được thực hiện kịp thời... Các biện pháp này giữ cho số ca mắc và tử vong sớm trong đại dịch ở mức thấp.

Khi có vaccine, Việt Nam triển khai tiêm và nhanh chóng đạt được độ bao phủ dân số thực sự cao. Hơn 260 triệu liều vaccine đã được tiêm, Việt Nam trở thành một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Những kết quả đáng ghi nhận này nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ; sự nỗ lực, hy sinh của cộng đồng, kể cả trong thời kỳ giãn cách thực sự khó khăn.

Việt Nam đã kiên định thi thực các biện pháp và đạt hiệu quả. Một yếu tố quan trọng là sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành y tế, họ làm việc không ngày nghỉ, suốt ngày đêm. Các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Bài học này cũng cần được phát huy, chuẩn bị để ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai, Tiến sỹ Angela Pratt nhận định.

Kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19

Đầu năm 2023, dù vẫn ghi nhận ca mắc nhưng cơ bản dịch COVID-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam. Ngày 5/5, WHO đã tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Đại dịch đang có xu hướng lắng xuống, miễn dịch từ nhiễm bệnh và vaccine của người dân ngày càng tăng. Ngoài ra, tỷ lệ nhập viện, tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước. Xu hướng này cho phép hầu hết quốc gia trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch, nhưng không có nghĩa nguy hiểm đã qua, đại dịch vẫn chưa kết thúc. Tình trạng khẩn cấp có thể được khôi phục nếu tình hình thực tế thay đổi...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp cùng với các bộ, ngành rà soát quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rà soát biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam; cùng với các bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV, trong phiên thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng Việt Nam có thể công bố hết dịch COVID-19 bởi đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết.

Về các điều kiện để công bố hết dịch, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cho biết: Hiện nay, tỷ lệ bệnh nặng do COVID-19 gây ra hầu như không còn, những ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng. Điều đó cho thấy COVID-19 vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng nhưng không còn nguy cơ gây tử vong cao. Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao trên diện rộng.

Cùng với việc chuẩn bị hồ sơ công bố hết dịch, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025, ban hành theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, kế hoạch sẽ tính đến bối cảnh có biến thể mới nguy hiểm xuất hiện, dịch lan rộng; cũng như tăng cường giám sát lồng ghép COVID-19 và các bệnh viêm đường hô hấp khác...

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2227/QĐ-BYT 2023 về kế hoạch sử dụng vaccine COVID-19 năm 2023, trong đó nêu rõ: Vaccine phòng COVID-19 trong năm 2023 vẫn được tiêm miễn phí với nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, Quỹ vaccine phòng COVID-19 và viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp tác khác. Tiêm chủng chiến dịch có thể lồng ghép với hoạt động tiêm chủng thường xuyên phù hợp với thực tế triển khai ở địa phương. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nước ta sẽ tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao, chưa khuyến cáo tiêm nhắc lại hàng năm.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nếu chuyển COVID-19 sang nhóm B, việc điều trị của người bệnh không được miễn phí. Cơ quan chức năng cần có tính toán phù hợp. Hiện tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế rất cao, vì vậy chi phí cho điều trị COVID-19 có thể chi trả theo bảo hiểm y tế.

Mặc dù xếp vào nhóm B cùng với các bệnh truyền nhiễm khác, nhưng COVID-19 vẫn là bệnh có tính đặc thù vì WHO chưa công bố kết thúc đại dịch. WHO vẫn tiếp tục khuyến cáo các quốc gia cần thận trọng, chuyển từ việc phòng, chống dịch khẩn cấp sang chiến lược kiểm soát dịch bền vững, lâu dài. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách, kế hoạch phòng, chống dịch để không bất ngờ mà vẫn kiểm soát được dịch trong mọi tình huống, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người dân; đặc biệt lưu ý các hoạt động giám sát, dự phòng cá nhân, tiêm chủng, truyền thông, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương…, chuyên gia y tế khuyến nghị.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dich-benh/viet-nam-da-hoi-du-dieu-kien-chuyen-covid19-sang-nhom-b-20230602164514758.htm