Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực can thiệp điện quang

Trong những năm gần đây, y học Việt Nam có nhiều tiến bộ, đặc biệt là chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh với những ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong chẩn đoán và sàng lọc bệnh một cách chính xác.

Nhiều năm qua, các bệnh viện lớn tại Việt Nam đã làm chủ được can thiệp điện quang, giúp người bệnh được hưởng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới với chi phí, giá thành thấp so với các nước trong khu vực.

Giáo sư Phạm Minh Thông - Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Sự kiện “Cập nhật Công nghệ Chẩn đoán hình ảnh RSNA 2023” nhằm chia sẻ những sáng tạo mới nhất vừa được giới thiệu tại Hội nghị thường niên 2023 của Hiệp hội Điện quang Bắc Mỹ (RSNA), bao gồm hơn 40 cải tiến đột phá và các giải pháp hỗ trợ AI từ danh mục thiết bị và giải pháp đa dạng, đã diễn ra ngày 11/1, tại Hà Nội.

Giáo sư Phạm Minh Thông cho hay Hội nghị thường niên 2023 của Hiệp hội Điện quang Bắc Mỹ (RSNA) là sự kiện quan trọng nhất trong ngành điện quang để các bác sỹ cập nhật những nghiên cứu, kiến thức mới nhất trong ngành chẩn đoán hình ảnh, trang thiết bị y tế. Đặc biệt, ngành điện quang được hưởng lợi nhiều nhất những thành tựu của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh và y học hạt nhân.

Những công nghệ mới nhất được giới thiệu tại RSNA 2023 là các công nghệ và giải pháp được thiết kế để hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các bác sỹ lâm sàng lĩnh vực ung thư, tim mạch, thần kinh… có thể tiếp cận cá nhân hóa, chính xác và tập trung vào bệnh nhân từ chẩn đoán đến sau điều trị. Những cải tiến này sử dụng AI và phương pháp học sâu để tối ưu hóa quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hợp tác, hướng tới phục vụ chăm sóc sức khỏe con người tốt hơn.

“Những sáng tạo được giới thiệu tại RSNA 2023 mang lại những lợi ích thiết thực cho cả bác sỹ chẩn đoán hình ảnh và bệnh nhân tại Việt Nam. Những công nghệ này, đặc biệt là các ứng dụng trí tuệ nhân tạo học sâu không chỉ là những tiến bộ mà còn là những công cụ giúp giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ y tế, tối ưu hóa các quy trình và nâng cao trải nghiệm của bệnh nhân,” Giáo sư Phạm Minh Thông phân tích.

Trong những năm gần đây, y học Việt Nam có nhiều tiến bộ, đặc biệt là chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh với những ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong chẩn đoán và sàng lọc bệnh một cách chính xác trên các phương tiện hình ảnh hiện đại như: Cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính đa dãy… giúp cho việc điều trị và quản lý bệnh trở nên hiệu quả hơn.

Theo giáo sư Thông, sự kiện là dịp để các bác sỹ được đào tạo, cập nhật và chuyển giao các kỹ thuật để ứng dụng các phần mềm mới nhất, với trang thiết bị hiện đại ngang tầm các nước trên thế giới để người dân Việt Nam được thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Bởi khi các bệnh viện triển khai ứng dụng các kỹ thuật mới này, số lượng bệnh nhân càng làm nhiều thì giá thành sẽ càng giảm, như vậy bệnh nhân sẽ được hưởng mức giá hợp lý so với các nước trong khu vực.

Tại sự kiện, các chuyên gia trong lĩnh vực điện quang, chẩn đoán hình ảnh đã thảo luận về những vấn đề y tế cấp bách tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh tiềm năng nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân và cải thiện hiệu quả hoạt động y tế trong nước.

Hội nghị thường niên RSNA 2023 cũng đã giới thiệu những cải tiến AI mới nhất có tiềm năng thay đổi cục diện ngành y tế nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-da-lam-chu-nhieu-ky-thuat-tien-tien-trong-linh-vuc-can-thiep-dien-quang-post920518.vnp