Việt Nam đã nuôi cấy, phân lập nCoV như thế nào?
Trước tình hình ca bệnh dương tính nCoV tại Việt Nam gia tăng, thành công của các nhà nghiên cứu mở ra nhiều hy vọng trong việc chẩn đoán và điều trị.
Ngày 7/2, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đã nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới. Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), đặc biệt khi Việt Nam đã có 13 ca mắc, đây là thông tin được người dân quan tâm.
Virus xuất hiện sau 72 giờ
Kể lại quá trình nuôi cấy và phân lập được nCoV, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho hay quá trình này được viện thực hiện khi Việt Nam xuất hiện ca bệnh dương tính đầu tiên (2 trường hợp bố con người Trung Quốc nhiễm bệnh). Sau khi nhận được mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đầu tiên, viện đã nuôi cấy và phân lập được chủng virus corona mới.
"Từ mẫu bệnh phẩm dương tính với virus corona, chúng tôi gây lây nhiễm, làm tăng số lượng (phân lập) virus trên dòng tế bào vero. Virus xuất hiện vào 72 giờ sau cho thấy chúng tôi đã thành công", GS Đức Anh kể.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện phương pháp nhuộm âm bản - soi mẫu trực tiếp và sử dụng kính hiển vi điện tử để nhận diện, đồng thời dùng kỹ thuật sinh học phân tử (Realtime RT-PCR) để xác định vật liệu di truyền nCoV.
Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có kinh nghiệm trong các đợt dịch trước, khi đã phân lập được các virus khác, điển hình là H5N1.
“Hiện nay, viện đã có đủ trang thiết bị và kinh nghiệm để tiến hành phân lập virus corona", GS Đức Anh nói. Đồng thời, chuyên gia này tiết lộ việc phân lập được virus sẽ là tiền đề để phát triển bộ sinh phẩm chẩn đoán. Đây là bước rất quan trọng trong việc phát triển vắc xin sau này.
Ngoài ra, việc phân lập virus corona sẽ biết được độc lực của chúng như thế nào để góp phần trong công tác điều trị bệnh nhân sau này.
Hiện, Việt Nam là quốc gia thứ ba nuôi cấy thành công nCoV. Bà Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, chia sẻ: "Rất nhiều nơi công bố xác định được các ca nhiễm nhưng không phân lập được virus. Có nhiều đơn vị nuôi cấy virus nhiều tháng nhưng không thành công".
Theo bà Mai, virus nCoV nuôi cấy được cung cấp chuẩn để xét nghiệm là mẫu dương tính (còn gọi là chứng dương). Với thành quả này, các kết quả xét nghiệm virus của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ chuẩn xác hơn so với trước đây. Các bệnh nhân chỉ phải chờ đợi kết quả xét nghiệm trong khoảng 1 ngày thay vì 3-5 ngày như hiện nay.
Tại sao phải phân lập virus?
Theo GS.TSKH Nguyễn Thu Vân, nhà khoa học đứng đầu ngành điều chế vắc xin ở Việt Nam, từng đoạt giải Kovalevskaya tập thể, bất kể virus nào dù mới hay sẵn có, để điều trị, điều chế vắc xin… đều phải có quá trình phân lập. Quá trình phân lập virus thường tốn rất nhiều thời gian, công sức.
Sau khi có mẫu bệnh phẩm, trong phòng thí nghiệm, virus sẽ được nuôi cấy trên những dòng tế bào thích hợp để nhân lên với số lượng lớn tới mức đủ soi và bắt được virus dưới kính. Nhờ đủ số lượng virus, các nhà khoa học sẽ thực hiện được các bước nghiên cứu giải trình tự gen để xem nó có đột biến hay không, các vùng gây bệnh như thế nào.
Trên cơ sở đó, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu loại bỏ gen độc giữ lại các gen có ý nghĩa về mặt kháng nguyên để làm vắc xin bảo vệ cơ thể tránh mắc bệnh.
Thứ hai, khi phân lập, nuôi cấy thành công virus tới một số lượng lớn có thể tạo ra các virus tinh khiết được kháng nguyên. Điều đó có ý nghĩa về mặt tạo đáp ứng miễn dịch, tiến thêm nữa có thể tạo ra các bộ sinh phẩm chẩn đoán.
Các chuyên gia nhấn mạnh việc phân lập virus rất phức tạp và quá trình này phải đảm bảo an toàn phòng thí nghiệm để tránh nguy cơ nhiễm bệnh và tránh tình trạng mẫu bệnh phẩm bị nhiễm chéo.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/viet-nam-da-nuoi-cay-phan-lap-ncov-nhu-the-nao-post1044484.html