Việt Nam đã thu thập và lưu giữ gần 81 nghìn nguồn gen
Sáng 29-7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo 'Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2015 - 2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025 - 2030'.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý và triển khai công tác bảo tồn, lưu giữ, khai thác và phát triển nguồn gen.
Tính đến năm 2023, thông qua các nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, tổng số nguồn gen được thu thập và lưu giữ được là 80.911, trong đó có 47.772 nguồn gen thực vật nông nghiệp, 5.768 nguồn gen cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gen dược liệu, 891 nguồn gen vật nuôi, 391 nguồn gen thủy sản, 19.050 nguồn gen vi sinh vật.
Điển hình, Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã điều tra thu thập được trên 10.000 nguồn gen thuộc các nhóm cây trồng. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và các trường đại học có khoa lâm nghiệp đã thu thập bảo tồn gần 2.000 nguồn gen thuộc 70 loài cây lâm nghiệp, trong đó có các nguồn gen của nhiều loài quý hiếm với 100% nguồn gen bản địa về giống cây trồng ở một số địa phương như: Sơn La, Lào Cai, Ba Vì, Phú Thọ, Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Thuận… Đặc biệt, khoảng 7.000 nguồn gen có giá trị làm thuốc đã được phát hiện và thu thập, bảo tồn.
Cho đến nay, Việt Nam đã đánh giá ban đầu trên 55.800 nguồn gen, đánh giá chi tiết trên 14.100 nguồn gen; khai thác, sử dụng hiệu quả, phát triển nhiều nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, dược liệu, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật... Các nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen đã được triển khai với trên 300 nguồn gen động, thực vật và trên 700 nguồn gen vi sinh vật, trong đó làm chủ được 178 quy trình công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật về nhân giống, chọn tạo giống, canh tác, nuôi và chăm sóc các nguồn gen... Các nhiệm vụ cũng đã xây dựng được hàng trăm tiêu chuẩn cơ sở, bao gồm tiêu chuẩn đàn hạt nhân, cây trội, đàn giống, đàn sản xuất, cây con thương phẩm...
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, thời gian tới, để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần tiếp tục tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác bảo tồn, lưu giữ, đánh giá nguồn gen; gia tăng nguồn lực khoa học và công nghệ nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước.
8 tham luận trình bày tại hội thảo đã đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác bảo tồn, đánh giá, khai thác và phát triển nguồn gen sinh vật cũng như các định hướng khoa học và công nghệ trong bảo tồn, đánh giá, khai thác và phát triển nguồn gen sinh vật đến năm 2030.