Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn với các nước có liên quan trước khi nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng giữa Biển Đông

Ngày 18-7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ tháng 7.

Thực hiện: QUANG PHÚC

Trả lời báo chí về việc Việt Nam nộp hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực giữa Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, quan điểm của Việt Nam được nêu rõ trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý ở khu vực giữa Biển Đông. Để thể hiện thiện chí và tinh thần trách nhiệm của mình, Việt Nam đã thông báo với các nước liên quan về vấn đề này qua kênh ngoại giao.

“Các cuộc trao đổi diễn ra trong không khí chân thành, hữu nghị và thẳng thắn. Các nước đều ghi nhận và tôn trọng quyền của Việt Nam về việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý phù hợp với quy định tại điều 76 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS năm 1982)”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Trước đó, sáng 17-7 (theo giờ địa phương), tại trụ sở Liên Hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc cùng Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia làm trưởng đoàn, đã chính thức nộp hồ sơ Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực giữa Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp quốc (CLCS).

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao đã ra Tuyên bố về việc Việt Nam nộp Đệ trình nêu trên. Việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý là để thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNCLOS năm 1982 đã được quy định tại điều 76.

Cũng tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã cung cấp thêm thông tin về vụ việc 6 người Việt (trong đó có 4 người mang quốc tịch Việt Nam, 2 người mang quốc tịch Mỹ) thiệt mạng trong một khách sạn ở thủ đô Bangkok (Thái Lan).

Cụ thể, ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Thái Lan điều tra. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Ngoại giao đã cung cấp thông tin liên quan cho Bộ Công an để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Thái Lan để cập nhật tình hình, đồng thời đề nghị Bộ Ngoại giao và Cảnh sát Thái Lan cung cấp các diễn biến mới và tạo điều kiện cho công tác bảo hộ công dân.

“Đại sứ quán đang giữ liên lạc liên tục với các cơ quan chức năng Thái Lan để hỗ trợ, hướng dẫn gia đình các nạn nhân thủ tục hậu sự khi được phép. Chúng tôi một lần nữa gửi lời chia buồn sâu sắc và mong gia đình các nạn nhân vượt qua được thời khắc đau đớn này”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Liên quan đến câu hỏi về bình luận của Việt Nam đối với sự việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị bắn trong sự kiện tranh cử hôm 13-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã gửi lời thăm hỏi và mong cựu Tổng thống Mỹ sớm bình phục.

LƯU THỦY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/viet-nam-da-trao-doi-thang-than-voi-cac-nuoc-co-lien-quan-truoc-khi-nop-de-trinh-ranh-gioi-them-luc-dia-mo-rong-giua-bien-dong-post749946.html