Việt Nam đảm bảo tiến trình hợp tác ASEAN trong bối cảnh dịch bệnh

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi khẳng định trên cương vị chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo các hoạt động hợp tác của khối diễn ra kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi trả lời phỏng vấn PV TTXVN. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi trả lời phỏng vấn PV TTXVN. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo các hoạt động hợp tác của khối diễn ra kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi khẳng định như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhân kỷ niệm 53 năm thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (8/8/1967-8/82020).

Đại sứ Ibnu Hadi nhấn mạnh nhìn lại chặng đường từ khi ASEAN thành lập đến nay, Hiệp hội đã phát triển mọi mặt, từ an ninh-chính trị, kinh tế-thương mại đến văn hóa-xã hội, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Đề cập tới chính trị-xã hội, Đại sứ Ibnu Hadi khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) ký ngày 24/2/1976 giữa các nước thành viên ASEAN.

Hiện 40 nước đã tham gia vào Hiệp ước TAC, trong đó có các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Ông Ibnu Hadi cũng đề cao những thành tựu kinh tế-thương mại của ASEAN trong thời gian qua, đặc biệt việc hình thành Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) vào năm 1992, một hiệp định thương mại tư do đa phương trong khối.

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP ở Nontha Buri, Thái Lan, ngày 1/11/2019. (Ảnh: Lý Hữu Kiên/TTXVN)

Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP ở Nontha Buri, Thái Lan, ngày 1/11/2019. (Ảnh: Lý Hữu Kiên/TTXVN)

Đại sứ Ibnu Hadi cũng chia sẻ kỳ vọng của ASEAN trong việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11 tới tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 của Việt Nam. Đại sứ khẳng định sau khi ký kết, RCEP sẽ tạo ra “một cú hích lớn” trong phát triển kinh tế khu vực.

Đánh giá về những đóng góp của Việt Nam trên cương vị là chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, ông Ibnu Hadi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời ghi nhận những sáng kiến của Việt Nam giúp ASEAN nhanh chóng vượt qua đại dịch.

“Kể từ đầu năm nay, Việt Nam với cương vị chủ tịch ASEAN đã đưa ra nhiều sáng kiến hỗ trợ ASEAN trong cuộc chiến chống COVID-19. Chúng ta đã tổ chức Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 bằng hình thức trực tuyến vào tháng 4. Đây là một hội nghị rất đặc biệt về COVID-19 và chúng ta đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN+3 về dịch bệnh. Cùng với nhiều hoạt động khác, tất cả các quốc gia thành viên đều cam kết nỗ lực giải quyết các vấn đề do dịch bệnh gây ra. Có thể nói Việt Nam đã cống hiến rất nhiều cho ASEAN,” Đại sứ Indonesia chia sẻ.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 trực tuyến (Ảnh: TTXVN)

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 trực tuyến (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ Ibnu Hadi cũng nhấn mạnh những nỗ lực và sáng kiến của Việt Nam trong việc duy trì tiến trình hợp tác của ASEAN trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát từ tháng 3 gây nên nhiều xáo trộn trên thế giới.

“Thật không may COVID-19 đã bùng phát vào tháng ba. Kể từ đó, đa phần các hoạt động trong tiến trình hợp tác ASEAN đều được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, nhờ có Việt Nam, những tiến trình trên đều được thực hiện rất kịp thời,” Đại sứ đánh giá.

Về những thách thức và cơ hội đối với cộng đồng ASEAN sau năm 2025, ông Ibnu Hadi bày tỏ một trong những thách thức của cộng đồng ASEAN là duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Đại sứ Ibnu Hadi chia sẻ: “Khi nói về vấn đề hòa bình và ổn định, chúng ta cần nói đến tiến trình và điều kiện hòa bình trong khu vực, không chỉ trên đất liền mà còn trên biển. Chúng ta cần thảo luận về vấn đề Biển Đông. Sau năm 2025, không chỉ việc hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) mà việc thực thi COC cũng hết sức quan trọng.”

Đại sứ cũng kỳ vọng với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, ASEAN sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ đối tác với nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành một trung tâm sản xuất trong khu vực, tăng cường hợp tác về du lịch và giáo dục giữa các quốc gia thành viên./.

Ngọc Ly (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-dam-bao-tien-trinh-hop-tac-asean-trong-boi-canh-dich-benh/656230.vnp