Việt Nam đăng cai Hội nghị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 5-9 đến 17-9 tại Cao Bằng. Hội nghị lần này sẽ có khoảng 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, theo TTXVN.

Hội nghị này được tổ chức luân phiên 2 năm/lần tại các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị diễn ra nhằm trao đổi kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển danh hiệu Công viên địa chất theo các tiêu chí của UNESCO giữa các thành viên trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đại diện UBND tỉnh Cao Bằng, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Cao Bằng, là cơ hội để tỉnh học hỏi, phát huy giá trị mô hình công viên địa chất với các nước trên thế giới, xúc tiến hoạt động du lịch Cao Bằng. Ngoài ra, hội nghị lần này không chỉ là sự kiện của riêng tỉnh Cao Bằng mà còn là ngày hội của các địa phương đang sở hữu danh hiệu UNESCO, góp phần định vị Cao Bằng nói riêng, các địa phương của Việt Nam nói chung trên bản đồ Di sản Thế giới.

Núi Mắt Thần ở Cao Bằng. Ảnh: Trần Lê Tấn Hiếu

Núi Mắt Thần ở Cao Bằng. Ảnh: Trần Lê Tấn Hiếu

Trong thời gian diễn ra hội nghị, tỉnh Cao Bằng cũng tổ chức các hoạt động như Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (2004-2024), các cuộc họp của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu để đánh giá các hồ sơ thẩm định và tái thẩm định danh hiệu, cuộc họp của Ban Điều phối và Ban Tư vấn của Mạng lưới châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời, sự kiện cũng diễn ra các phiên hội thảo tổng thể và chuyên đề, cuộc họp song phương giữa các công viên địa chất, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm và tổ chức các gian hàng quảng bá hình ảnh du lịch địa phương tới các đại biểu tham dự.

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào ngày 12-4-2018. Công viên có diện tích hơn 3.275 km² thuộc tỉnh Cao Bằng. Nơi đây đang là khu vực sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc của Việt Nam như Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay.

Theo Báo điện tử Chính Phủ, TTXVN

Ngọc Khuyến

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/viet-nam-dang-cai-hoi-nghi-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong/