Việt Nam đang có vị thế rất cao trong chính sách đối ngoại của Ý
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, Đại sứ Ý tại Việt Nam Antonio Alessandro khẳng định: 'Việt Nam đang có một vị thế rất cao trong chính sách đối ngoại của Ý. Chúng tôi đang nỗ lực để Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) phát huy tác dụng tích cực hơn, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đối tác thương mại song phương Việt - Ý trong thời gian tới'.
PV: Xin Đại sứ cho biết, Việt Nam có vị trí như thế nào trong chính sách đối ngoại của Ý tại khu vực Đông Nam Á?
Đại sứ Antonio Alessandro: Đối với Ý, Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng. Hai nước đã ký kết Thỏa thuận Đối tác chiến lược vào năm 2013 và kể từ đó mối quan hệ giữa hai bên đã và đang tiếp tục được cải thiện, tăng cường trên mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, đến cả việc giao lưu nhân dân.
Đại sứ Antonio Alessandro
Vì vậy, tôi có thể nói rằng, Việt Nam đang có một vị thế rất cao trong chính sách đối ngoại của Ý đối với khu vực châu Á nói chung và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng. Nhờ vào vai trò là Chủ tịch khối ASEAN mà Việt Nam đã đảm nhiệm trong năm qua, Ý đã nắm bắt cơ hội trở thành đối tác phát triển của ASEAN. Với tư cách là người đại diện cho Chính phủ Ý tại Việt Nam, chúng tôi đánh giá rất cao điều này. Chúng tôi rất vui và đang nỗ lực để củng cố mối quan hệ đối tác này giữa Ý và ASEAN, giữa Ý và Việt Nam.
PV: Đại sứ đánh giá thế nào về trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ý trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 và EVFTA có hiệu lực?
Đại sứ Antonio Alessandro: Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của Ý, với kim ngạch vào khoảng 4,5 tỷ Euro mỗi năm. Đó là số liệu tính đến năm 2019 và tất nhiên thì đại dịch ập tới đã “cầm chân” các hoạt động trao đổi thương mại của hai nước. Tuy nhiên, nước Ý đã cố gắng đẩy mạnh thương mại để phục hồi lại mức kim ngạch giống như năm 2019 và hiện giờ kim ngạch thương mại đang ở mức xấp xỉ 4,5 tỷ Euro. Có tới 2/3 kim ngạch thương mại song phương Ý – Việt là từ xuất khẩu Việt Nam sang Ý, 1/3 còn lại là kim ngạch xuất khẩu từ Ý sang Việt Nam.
Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Hồng Vân
Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ năm ngoái và kết quả trên có một phần đóng góp từ hiệp định này. Chúng tôi đang nỗ lực để hiệp định này phát huy tác dụng tích cực hơn. Đồng thời chúng tôi tin rằng hiệp định này sẽ giúp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đối tác thương mại song phương giữa hai nước trong thời gian tới.
PV: Theo Đại sứ, kết quả hợp tác thương mại và đầu tư trên đã tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước chưa?
Đại sứ Antonio Alessandro: Theo tôi thì chưa, có một tiềm năng lớn chưa được khai thác trong mối quan hệ thương mại song phương giữa hai nước. Và đó chính là lý do tại sao chúng tôi tổ chức một số sự kiện quảng bá sản phẩm ngành thực phẩm và đồ uống Ý tại Việt Nam như “True Italian Taste 2021”, “A taste of Italy everyday”.., cũng như các sự kiện khác mà Ý muốn quảng bá tại Việt Nam. Chúng tôi tin, rằng hoạt động thương mại và đầu tư đôi bên vẫn còn có khả năng phát triển lớn hơn nữa.
Giao thương giữa Ý và Việt Nam đã tăng 50%
Trong năm 2021, bất chấp dịch Covid-19, giao thương giữa Ý và Việt Nam đã tăng 50% so với năm 2020. Xuất khẩu của Việt Nam qua Ý tăng 40% và ngược lại xuất khẩu của Ý sang Việt Nam đã tăng 30%. - Đại sứ Antonio Alessandro
Hiện tại, Ý là nhà xuất khẩu lớn thứ hai vào Việt Nam trong Liên minh châu Âu và chúng tôi muốn phát triển hơn nữa trao đổi thương mại với Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Tuy nhiên, xuất phát điểm Ý chuyên xuất khẩu máy móc và thiết công nghiệp, điều này cũng rất hữu ích cho quá trình hiện đại hóa nền công nghiệp và sản xuất của Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi tự hào vì có thể đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế tại Việt Nam thông qua các hoạt động thương mại mà chúng tôi đang thực hiện tại đây.
PV: Mặc dù kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ về Việt Nam và Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI toàn cầu năm 2021 và dự báo sẽ tích cực trong năm 2022. Đại sứ có bình luận gì về điều này?
Đại sứ Antonio Alessandro: Việt Nam là một thị trường tiềm năng thu hút rất nhiều nguồn đầu tư nước ngoài vì nhiều lý do. Một trong số đó là nhờ sự vững chắc và ổn định của nền kinh tế đất nước. Các khoản đầu tư của Ý vào Việt Nam cũng rất nhiều. Một số khoản đầu tư từ các doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam như Ariston, Piaggio, Vespa, tuy nhiên cũng có đầu tư từ những bên ít được biết đến hơn nhưng cũng quan trọng như các doanh nghiệp mà tôi đã nhắc tới bên trên. Ngoài ra, chúng tôi mới đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, vì vậy chúng tôi muốn mang đến cho đất nước này những sản phẩm chất lượng cao trong các ngành có giá trị, chứ không chỉ là các sản phẩm thâm dụng lao động. Vậy nên, tại Việt Nam, chúng tôi muốn đem lại các khoản đầu tư chất lượng cao.
PV: Tận dụng cơ hội từ EVFTA, Đại sứ quán Ý sẽ có những hỗ trợ như thế nào để đầu tư của Ý vào Việt Nam tăng nhanh trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước?
Đại sứ Antonio Alessandro: Như tôi đã nói ở trên, quan hệ giữa Việt Nam và Ý vẫn còn có những tiềm năng lớn để khám phá. Chúng tôi đã khởi động một chiến dịch truyền thông mang tên "Nước Ý đơn giản là phi thường: beIT", nhằm quảng bá về chất lượng của nền kinh tế Ý, trong nhiều lĩnh vực. Chúng tôi tin tưởng rằng thông qua chiến dịch này, nước Ý có thể nâng cao mối quan hệ kinh tế với Việt Nam bởi Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á trong danh sách 26 quốc gia trên thế giới được lựa chọn cho dự án này.
Tôi cũng xin nói thêm rằng, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển đáng kể trong 20 năm qua và không chỉ là thị trường thu hút đầu tư từ nước ngoài, Việt Nam mà còn là nhà cung cấp đầu tư ra nước ngoài. Tại Ý, chúng tôi cũng rất vui khi thu hút được một số khoản đầu tư như vậy. Điều này dẫn đến một tầm nhìn mới, hiện đại, mang tính thời sự trong mối quan hệ giữa Ý và Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ!