Việt Nam đang khát nguồn nhân sự blockchain
Việt Nam đang được nhìn nhận như một điểm nóng của ngành blockchain, tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề thách thức đối với các doanh nghiệp làm về lĩnh vực này.
Nhu cầu về nhân sự ngành blockchain hiện nay
Ông Kevin Tùng Nguyễn, CEO Jobhopin đánh giá, Việt Nam có nhiều bạn trẻ tham gia vào ngành blockchain rất sớm, để phát triển nguồn nhân lực này, thứ cần tập trung xây dựng hiện tại không phải là thị trường, hay sản phẩm mà chính là con người.
"Chúng tôi hợp tác nhiều với nhiều đơn vị như Kyber Network, Axie Infinity, Coin98,… và nhận thấy có nhiều công ty chất lượng, đầu tư nghiêm túc, có định hướng lâu dài, nhưng bên cạnh đó cũng có những công ty hời hợt, chỉ đi theo xu hướng", ông Kevin cho biết.
Thị trường DeFi, GameFi tại Việt Nam hiện đã phát triển mạnh thuộc top đầu thế giới, nhiều “ông lớn” từ các nước trên thế giới đang đổ vốn và tuyển dụng tại Việt Nam như Solana Foundation, vì vậy cần rất chỉnh chu trong việc chọn lựa nguồn nhân lực, đặc biệt với những công ty đang xây dựng layer 1, layer 2, layer 3.
Trong năm qua đã có hơn 4.000 cơ hội việc làm tại Việt Nam cho ngành công nghiệp blockchain. Các cơ hội này không chỉ đến từ những ông lớn trong các ngành truyền thống đang chuyển mình để tiếp cận công nghệ blockchain như Tiki, Ahamove,… mà còn đến từ các công ty nước ngoài khác đang đầu tư tại Việt Nam.
"Jobhopin tin tưởng trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ trong ngành blockchain, tuy nhiên cần tìm hiểu và lựa chọn những cơ sở đào tạo uy tín và chất lượng", ông Kevin lưu ý.
Gần đây, Solana đã phối hợp với Coin98 và một số đối tác tại Việt Nam để tổ chức các cuộc thi tìm kiếm nhân tài blockchain. Câu chuyên đầu tư của họ không chỉ dừng lại ở việc tập trung vào sản phẩm, mà còn là những định hướng dài hơi cho nguồn nhân lực ngành blockchain.
Tiêu chuẩn cho nguồn nhân lực blockchain
Blockchain là một công nghệ mới, đòi hỏi nhân sự làm việc phải thay đổi và học hỏi nhanh, ngoài ra các đơn vị tuyển dụng cũng sẽ có các tiêu chuẩn khác biệt so với các ngành còn lại.
Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Hiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giáo dục IMG cho biết cộng đồng thường nghĩ blockchain chỉ liên quan đến tài chính, do đó thường nhắc đến blockchain với những rủi ro đi kèm.
"Tuy nhiên trên thực tế, blockchain có thể được ứng dụng trong rất nhiều ngành nghề khác nhau như giáo dục, y tế, logistics", bà Hiền nhấn mạnh.
Trong 5 năm tới, blockchain sẽ phát triển mạnh và nhu cầu về nguồn nhân lực là vô cùng lớn. Do đó sinh viên theo học ngành blockchain cần trau dồi kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ, các kiến thức cơ bản về máy móc, internet,…
Hiện nay, các tổ chức như Hiệp hội Blockchain Việt Nam đang hướng đến việc hợp tác với các trường như Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Bách khoa,… để xây dựng những chương trình đào tạo bài bản, chính quy cho sinh viên.
Câu chuyện đào tạo giảng dạy blockchain trong trường đại học hiện đang khá ít thông tin, với cương vị là trưởng khoa công nghệ thông tin Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, ông Trần Mạnh Huy nhận định blockchain là một công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.
"Tôi đã viết một đề án nhằm thuyết phục Ban giám hiệu, cũng như các cổ đông của trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng để mang blockchain vào chương trình giảng dạy cho sinh viên từ năm thứ nhất", ông Huy chia sẻ.
Trong đề án, ông Huy đã chứng minh blockchain có thể ứng dụng trong kiến trúc, đồ họa, logistics… Gần đây nhất, có 3 - 4 đề tài luận án về blockchain của sinh viên năm cuối được ông hướng dẫn.
"Nếu xây dựng được khung chương trình phù hợp, blockchain sẽ không khó, ngành blockchain sẽ khai thác được nguồn nhân lực vô cùng to lớn trong tương lai, hiện tại ở Đà Nẵng blockchain phát triển khá mạnh", ông Huy nêu quan điểm.
Tuy nhiên để xây dựng một doanh nghiệp blockchain cần có các team về truyền thông, SEO, tuyển dụng…. Vì vậy ngoài các chương trình đào tạo chuyên môn thuần túy, cần có thêm các chương trình đào tạo về các vị trí khác nhằm tạo ra sự đồng bộ cũng như cho ra đời được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Làn sóng nhân sự quay về Việt Nam
Hiện nay, có nhiều cá nhân, hiệp hội từ nước ngoài trở về Việt Nam làm việc và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành blockchain. Điều này cho thấy thị trường trong nước đang rất tiềm năng và hấp dẫn.
Chia sẻ về làn sóng cá hồi trở về, ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox đánh giá đây là dấu hiệu tích cực cho thị trường lao động Việt Nam nói chung và ngành blockchain trong nước nói riêng.
"Điểm chung của các anh chị quay về Việt Nam làm việc nhằm đóng góp vào hai layer chính là quy trình làm việc từ các nước tiên tiến và tầm nhìn lớn", ông Liêm nhận định.
Với thời gian làm việc tại các quốc gia hàng đầu về công nghệ như Mỹ, họ học hỏi được quy trình làm việc chuyên nghiệp, khoa học. Khi về Việt Nam áp dụng sẽ tạo ra được một văn hóa doanh nghiệp mới cũng như đào tạo được nguồn nhân lực kế cận có tư duy mới, tiệm cận với các nước phát triển.
Với hơn 100 triệu dân và phần lớn đang trong độ tuổi tiêu dùng, ông Liêm cho rằng Việt Nam hiện là thiên đường của startup. Thế hệ trẻ tại Việt Nam nắm bắt công nghệ nhanh, chịu khó học hỏi, nhiều điểm sáng hơn các nước, đây là một lợi thế cho sự bứt phá trong tương lai.
"Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, các bạn trẻ đang tích cực mang các mô hình thành công ở nước ngoài về áp dụng tại Việt Nam. Khi hành lang pháp lý được ban hành, có thể nhìn thấy làn sóng trở về nhiều hơn, cũng như các dự án startup sẽ bùng nổ hơn", ông Liêm kết luận.