Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn của doanh nghiệp nước ngoài
Việt Nam đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các tập đoàn nước ngoài, tuy nhiên để biến sự quan tâm đó thành những dự án 'tỷ đô' lại không hề đơn giản.
Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN vừa cho biết, từ ngày 18-21/3 sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp cấp cao gồm 50 doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Công nghệ, năng lượng, hàng không và quốc phòng, nông nghiệp và thực phẩm, dịch vụ tài chính, y tế, quỹ đầu tư tới thăm Việt Nam.
Trong số các doanh nghiệp Hoa kỳ tham gia chuyến thăm tới Việt Nam lần này có sự xuất hiện của nhiều tên tuổi quen thuộc, đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trước đó, vào năm 2023, Việt Nam đã đón số lượng lớn doanh nghiệp Hoa Kỳ đến thăm và tìm kiếm cơ hội đầu tư, điển hình trong số đó là: Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Visa và Citibank, các công ty Internet và điện toán đám mây Meta, Amazon… Nhiều doanh nghiệp như SpaceX, Coca-Cola, Pacifico Energ,... sau đó đã đưa ra cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất và tăng đầu tư vào Việt Nam.
Không chỉ các doanh nghiệp Hoa Kỳ, sắp tới trong 2 ngày 18-19/3, một đoàn gồm hơn 40 doanh nghiệp Uzbekistan, hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, máy móc nông nghiệp, chăn nuôi, nông sản, thực phẩm, dệt may, dược phẩm, du lịch, thương mại, điện tử… sẽ đến Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi trực tiếp vào ngày 19/3.
Năm 2023, một đoàn lãnh đạo gồm 205 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực đã tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thăm chính thức Việt Nam. Phái đoàn bao gồm đại diện những tập đoàn lớn như: Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-sun, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Dong-kwan, Chủ tịch Tập đoàn Hanjin Cho Won-tae, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun-sang…
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam liên tiếp đón các đoàn doanh nghiệp lớn của nước ngoài, trong đó có sự xuất hiện của những doanh nghiệp hàng đầu thế giới cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, điều đó sẽ mở ra cơ hội quan trọng cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Song để biến những cơ hội đó thành những dự án “tỷ đô” lại không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn những rào cản.
Cụ thể, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết: Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2023 được JETRO thực hiện đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia, khu vực tại châu Á và châu Đại Dương. Trong số 4.982 doanh nghiệp trả lời hợp lệ, có 849 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam.
Kết quả, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng “có lãi” trong năm 2023 là 54,3%, thấp hơn 6,6 điểm so với mức bình quân của ASEAN là 60,9%. Tỷ lệ doanh nghiệp báo “lỗ” là 24.4%, tăng 3,6 điểm so với năm trước.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh năm 2024, dự báo “cải thiện” đạt 50,4%, dự báo “đi ngang” đạt 41,3% và 8,3% doanh nghiệp cho rằng sẽ “xấu đi”. Về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1-2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56.7%, giảm 3.3 điểm so với năm trước. Mặc dù tham vọng mở rộng vẫn cao, nhưng tỷ lệ trả lời mở rộng ở Việt Nam có mức giảm so với năm trước.
Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, Việt Nam được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá là có tình hình chính trị xã hội ổn định, quy mô thị trường, chi phí nhân công rẻ, dễ tuyển dụng nhân lực và chất lượng nhân viên cao. Môi trường kinh doanh của Việt Nam kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Số doanh nghiệp cho rằng tăng trưởng thị trường là lợi thế cao hơn 14.6 điểm so với mức trung bình của ASEAN, nhưng số doanh nghiệp cho rằng còn phải đối mặt với thách thức về cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp luật, thủ tục hành chính…
Theo đó, để tạo lợi thế thu hút FDI trong năm 2024 và những năm tiếp theo, cải thiện môi trường đầu tư vẫn là vấn đề cần ưu tiên đối với Việt Nam lúc này. Bởi theo nhận định của các doanh nghiệp nước ngoài, môi trường đầu tư chính là yếu tố quyết định để doanh nghiệp đầu tư hay không đầu tư vào Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024 Việt Nam sẽ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút FDI phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số. Cùng với đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan…