Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn bao giờ hết để thu hút tư nhân đầu tư chuyển dịch năng lượng
'Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn bao giờ hết để thu hút khu vực tư nhân đầu tư và hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng, hướng tới giảm phát thải', ông John Rockhold, nhóm Công tác điện và năng lượng của VBF phát biểu.
Sáng 17.3, hơn 300 đại biểu đã tham dự trực tiếp phiên kỹ thuật Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thường niên (VBF) 2023.
Với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh”,các đại biểu là đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã phát biểu tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính có tính thời sự là kinh tế xanh, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Đẩy nhanh phê duyệt Quy hoạch điện 8
Theo ông John Rockhold, nhóm Công tác điện và năng lượng của VBF (PEWG), Việt Nam không phải ngoại lệ trong xu thế chuyển dịch năng lượng. Quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam còn đi song hành với sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Chuyển dịch năng lượng mang lại cơ hội việc làm và xu hướng này sẽ ngày càng nhân rộng, tạo điều kiện cần thiết cho sự phát triển của năng lượng tái tạo.
Nhấn mạnh “Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn bao giờ hết để thu hút khu vực tư nhân đầu tư và hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng, hướng tới giảm phát thải”, ông John Rockhold cho biết, PEWG hoàn toàn ủng hộ việc tập trung xây dựng chính sách để tạo điều kiện tiếp cận tài chính khí hậu trong mọi lĩnh vực của ngành kinh tế và có cơ chế khuyến khích áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, cùng với các chính sách khác, để thu hút nguồn vốn cần thiết nhằm giảm phát thải cho nền kinh tế.
Trong năm nay, PEWG sẽ soạn thảo báo cáo Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam - ấn bản số 3, trong đó xoay quanh cách khu vực tư nhân có thể hỗ trợ thực hiện Quy hoạch điện VIII như thế nào, đặc biệt là trong việc thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân, cũng như hỗ trợ trong việc lập kế hoạch, vận hành, nâng cao năng lực, khuyến nghị về tiêu chuẩn kỹ thuật phát triển bền vững ngành điện, ông John Rockhold chia sẻ.
Còn theo ông Tony Foster, nhóm Công tác cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần thúc đẩy phê duyệt Quy hoạch điện 8 và kế hoạch thực hiện cũng như các quy định của ngành khí và tác động đối với các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Riêng với năng lượng tái tạo, cần làm rõ quy trình đăng ký khảo sát địa điểm dự án điện gió ngoài khơi theo Báo cáo 126/BCBTNMT ngày 4.10.2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lập quy hoạch không gian biển quốc gia gắn với phát triển các trung tâm điện lực vùng, rà soát căn cứ quyết định giao khu vực biển theo Nghị định 11/2021/NĐ-CP để thu tiền sử dụng khu vực biển tương xứng với chi phí phát triển, vận hành các dự án điện gió, điện khí ngoài khơi.
Cùng với đó, Việt Nam cần thúc đẩy tiến trình cải cách thủ tục hành chính và quy định để cho phép khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưới điện.
Mặt khác, cần thành lập cơ quan quản lý quốc gia và chương trình đào tạo quốc gia để hỗ trợ phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch quy mô lớn, nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới trong lĩnh vực này, xuất khẩu kỹ năng và năng lượng sạch ra toàn cầu.
Thủ tục hành chính cần rõ ràng, thống nhất
Cho rằng phát triển xanh và bền vững sẽ liên quan đến kỹ năng, đầu tư và chuyển giao công nghệ quốc tế vào Việt Nam, ông Colin Blackwell, nhóm Công tác nguồn nhân lực, lưu ý: Để việc này diễn ra một cách hiệu quả, Việt Nam cần bảo đảm cho các doanh nhân và lao động nước ngoài có tay nghề cao có thể đến Việt Nam, quy trình có thể được hợp lý hóa và đơn giản hóa.
“Một vấn đề cụ thể là thủ tục về nhập cư và giấy phép lao động ngày nay đặt ra các thách thức hơn nhiều so với giai đoạn "bình thường cũ". Thị trường Việt Nam đã mở cửa trở lại vào đầu năm 2022, chúng tôi đã hy vọng rằng sẽ thấy được sự ổn định đối với một số quy trình như trước đại dịch, tương đối đơn giản và đáng tin cậy. Tuy nhiên, điều ngược lại đã xảy ra”, ông Colin Blackwell phát biểu.
Do vậy, ông đề xuất, Việt Nam cần bảo đảm các thủ tục hành chính rõ ràng và thống nhất hơn; có nhiều thời gian hơn để các công ty dự đoán và lên kế hoạch trước nhằm ngăn chặn sự gián đoạn hoạt động và gây ra các vấn đề bất ngờ cho nhân viên nước ngoài và gia đình của họ. Đồng thời, cần cho phép các chuyên gia nhập cư được ủy quyền bởi các công ty bảo trợ để xử lý hành chính cho các công ty bảo trợ; làm rõ quy trình phê duyệt lao động nước ngoài vì điều này gần đây đã trở nên khó khăn hơn nhiều đối với các công ty…
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại phiên kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc tin tưởng, đây vừa là phiên khởi động và cũng là tiền đề để tổ chức thành công Phiên cấp cao - Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 19.3 tới, với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.