Việt Nam đang sử dụng lãng phí nguồn nước

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiệu quả khai thác, sử dụng nước trong các ngành ở Việt Nam còn thấp và lãng phí, đặc biệt là sử dụng nước cho nông nghiệp và tại các đô thị.

Các công trình thủy điện bị thiếu nước vào mùa khô là một trong những vấn đề tồn tại của an ninh nguồn nước hiện nay (Ảnh minh họa: Thủy điện Sơn La)

Các công trình thủy điện bị thiếu nước vào mùa khô là một trong những vấn đề tồn tại của an ninh nguồn nước hiện nay (Ảnh minh họa: Thủy điện Sơn La)

Sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là vị tư lệnh ngành đầu tiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Nội dung chất vấn của Bộ trưởng bao gồm ba nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; Giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

Hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước còn thấp

Trong Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết một số vấn đề tồn tại, khó khăn về quản lý tài nguyên nước hiện nay.

Theo đó, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài và phân bố không đều theo không gian và thời gian. Tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam khoảng 504,4 tỷ m3, chiếm 60% tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm.

Do mùa cạn kéo dài 7 - 9 tháng, nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian, rừng đầu nguồn bị suy giảm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông và tác động của biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước của chúng ta.

Trong khi đó, áp lực phát triển kinh tế - xã hội làm cho nhu cầu nước của Việt Nam tăng nhanh chóng. Bình quân trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước đã tăng gấp 3 lần do sự gia tăng dân số, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị hóa; dự báo đến năm 2030 nhu cầu sử dụng nước cho các ngành khoảng 122,47 tỷ m3/năm, đến năm 2050 khoảng 131,7 tỷ m3/năm.

Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước đang gia tăng trong những năm gần đây. Cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng kéo theo các hoạt động xả nước thải, nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước, đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, nghiêm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và các tầng chứa nước.

Mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước gia tăng, chủ yếu liên quan đến lợi ích kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực, giữa thượng lưu và hạ lưu các lưu vực sông; giữa nhu cầu dùng nước cho thủy điện, thủy lợi và nhu cầu cho công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất,...

Sự suy giảm, cạn kiệt dòng chảy cũng xảy ra ở nhiều dòng sông, đoạn sông (hạ lưu các sông chính như sông Hồng, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba,...; và ở hạ lưu hàng trăm các hồ chứa thủy điện, thủy lợi).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là vị trưởng ngành đầu tiên trả lời chất vấn sáng 4/6/2024

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh là vị trưởng ngành đầu tiên trả lời chất vấn sáng 4/6/2024

"Hiệu quả khai thác, sử dụng nước trong các ngành còn thấp và lãng phí, đặc biệt là sử dụng nước cho nông nghiệp và tại các đô thị. Mặc dù GDP đầu người tăng nhanh, đạt trên 2.500 USD năm 2018 (tăng 2,5 lần so với năm 2002) nhưng giá trị sử dụng nước còn thấp, chỉ tạo ra 2,37 USD/m3 nước, chỉ bằng 12% so với mức trung bình toàn cầu (19,42 USD)", báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ.

Do chưa có hệ thống hỗ trợ công cụ ra quyết định phục vụ xây dựng kịch bản nguồn nước, việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước thống nhất trên lưu vực sông để điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nước của các ngành, các địa phương theo quy hoạch; dẫn đến tình trạng sử dụng nước lãng phí, hiệu quả sử dụng không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu về an ninh nước sạch, an ninh lương thực và an ninh năng lượng.

"Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia của Việt Nam hiện nay chỉ đạt mức 2/5 (trong khi đó ở Indonesia đạt mức 3/5, Hàn Quốc và Úc đạt 4/5 là mức cao nhất thế giới năm 2020)", báo cáo nêu.

Cần có cơ chế, nguồn lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nêu giải pháp khắc phục, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm “sống lại” các dòng sông.

Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết những vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia; chủ động, tích cực hợp tác trao đổi thông tin, dữ liệu hiện trạng và dự báo về nguồn nước, khí tượng thủy văn, địa chất thủy văn và sinh thái, chất lượng nước có liên quan đến nguồn nước liên quốc gia.

Song song với thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bằng hình thức tự động, trực tuyến. Xây dựng hệ thống giám sát, dự báo, cảnh báo sớm diễn biến tài nguyên nước; tiếp tục hợp tác với các quốc gia thượng nguồn về chia sẻ số liệu vận hành các công trình.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề lớn của quốc gia, nhất là với một quốc gia với 60% lượng nước phụ thuộc vào nước ngoài và là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lớn nhất trên thế giới như Việt Nam.

Từ đó, Bộ này đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, tạo cơ chế, nguồn lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ quan này đã nêu, nhất là việc phục hồi các dòng sông, nguồn nước đang bị ô nhiễm, suy thoái..., hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đơn cử, Bộ kiến nghị Quốc hội xem xét bảo đảm mức chi cho bảo vệ môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ xem xét, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư nguồn lực cho các tỉnh, thành phố xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung, trước mắt tập trung cho giai đoạn 2025 - 2030.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông: từ nhà nước; xã hội hóa; nguồn đầu tư nước ngoài thông qua hợp tác quốc tế; tạo cơ chế đặc thù về tài chính...

Minh Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/viet-nam-dang-su-dung-lang-phi-nguon-nuoc-post346537.html