Thông luồng cho tàu lớn vào sông Hậu
Hiện nay, các tàu ra vào các cảng biển khu vực ĐBSCL qua luồng sông Hậu có trọng tải chủ yếu khoảng 10.000 DWT giảm tải.
Tin từ Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã hoàn thành đo đạc một số đoạn sau nạo vét.
Cụ thể, trong phạm vi khảo sát đáy luồng hàng hải thiết kế nạo vét duy tu đoạn luồng biển từ phao báo hiệu hàng hải số 7 – 1030 m (khu vực đê chắn sóng + 400 m) đến phao báo hiệu hàng hải số "7" + 90 m, chiều dài khoảng 1,12km, bề rộng đáy luồng 70m, có độ sâu được xác định là 6,42 m.
Đối với các đoạn luồng kênh Tắt, đoạn luồng kênh Quan Chánh Bố và đoạn luồng sông Hậu thuộc luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu sau nạo vét hiện có độ sâu đạt 6.4m.
Tàu thuyền hành hải trên luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được khuyến cáo căn cứ thông báo hàng hải độ sâu đoạn luồng biển sau nạo vét duy tu để có biện pháp hành hải an toàn và tuân thủ sự điều động của Cảng vụ hàng hải Cần Thơ.
Thông tin với Báo Giao thông, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho biết dự án nạo vét luồng cho tàu lớn vào sông Hậu vẫn còn một đoạn hiện chưa hoàn thành. Do đó, đoạn luồng hiện nay chưa chính thức công bố khai thác độ sâu mới.
Dự án nạo vét luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu nằm trong kế hoạch bảo trì công trình hàng hải năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), nhằm nạo vét luồng xuống độ sâu chuẩn tắc -6.5m.
Thời gian qua, dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 cũng đã hoàn thành. Dự án nhằm xây dựng luồng tàu biển có độ sâu cho tàu biển trọng tải 10.000 tấn và 20.000 tấn, giảm tải ra vào các cảng trên sông Hậu.
Một lãnh đạo Công ty CP Cảng Cần Thơ thông tin hiện nay, các tàu ra vào khu vực ĐBSCL chủ yếu là các tàu hơn 6.000 - 6.500 DWT đầy tải và các tàu 10.000 DWT giảm tải.
Tuy nhiên, đã có một số chuyến tàu chở dăm gỗ có trọng tải khoảng 15.000 - 20.000 DWT giảm tải ra vào cảng Cần Thơ. Tuy nhiên, các tàu phải giảm tải khá nhiều. Còn hàng container vẫn chủ yếu phải dùng sà lan để chuyển tải.
"Tới hiện tại, hàng hóa vẫn chưa có nhiều đột biến. Có lẽ sau khi luồng chính thức được công bố đưa vào khai thác với độ sâu mới, các hãng tàu mới có thể cân đối lịch trình để đưa tàu vào cho phù hợp", lãnh đạo Cảng Cần Thơ nói và cho rằng, để đảm bảo yếu tố bền vững cho tàu lớn ra vào cảng, ngoài việc ổn định độ sâu cốt luồng hàng hải, còn cần có các chân hàng ổn định.
Tuy nhiên, điểm yếu hiện nay tại khu vực ĐBSCL (cảng biển nhóm 5) là chân hàng còn kém nên các tàu lớn ra vào cảng biển tại khu vực không nhiều.
Theo Cục Hàng hải VN, hiện nay, các bến cảng khu vực cảng biển Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh có khả năng tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 10.000 DWT giảm tải.
Trong 5 năm qua, sản lượng tàu thuyền ra vào khu vực các cảng biển của nhóm 5 có sự sụt giảm về số lượng nhưng sản lượng hàng hóa có sự tăng trưởng.
Cụ thể, sản lượng tàu thuyền ra vào khu vực từ 23.345 lượt (năm 2019) xuống còn 22.220 lượt (năm 2023). Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển từ hơn 16 triệu tấn vào năm 2019 tăng lên hơn 18 triệu tấn vào năm 2023.
Đi cùng điều này, sản lượng tàu có trọng tải vượt thiết kế ra vào cảng biển khu vực nhóm 5 cũng tăng đáng kể, từ 118 tàu (năm 2019) đã lên tới 152 tàu (năm 2023).