Việt Nam đang thiếu trầm trọng nhân lực số

Hiện Việt Nam đang thiếu trầm trọng nhân lực số, theo thông tin ghi nhận tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số diễn ra vào ngày 27-4.

Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số ngày 27-4. Ảnh: VGP

Thiếu hụt nhân lực được cho là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng chuyển đổi số tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật so với tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%)… Để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay. Không chỉ là vấn đề số lượng, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo đang chưa theo kịp.

Để giải quyết vấn đề trên, nhiều quốc gia, điển hình là Hàn Quốc, Ấn Độ đã xác định phát triển đại học số là giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực số. Đại học số, hiểu một cách đơn giản là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số.

Tuy nhiên hiện ở Việt Nam chưa có nhiều trường đại học số được triển khai. Trước dịch Covid-19, đã có trường đại học số tiên phong được triển khai nhưng chưa thu hút sinh viên do người Việt Nam chưa quen với việc học trực tuyến. Các chuyên gia hy vọng sau đại dịch này, thói quen học trực tuyến đã được phổ cập thì hình thức học đại học số sẽ thu hút sinh viên và phát triển ở Việt Nam hơn.

Tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan chính phủ triển khai chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả chứ không chỉ là các số liệu mang tính hình thức để báo cáo.

Thủ tướng cho rằng chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới gần 54% và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp, khoảng 9,4%.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, gắn với đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, trong sự phát triển chung của đất nước. Trong mỗi quí, mỗi 6 tháng, mỗi năm, công tác chuyển đổi số phải có những sản phẩm nhất định, hiệu quả cụ thể lượng hóa được.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/viet-nam-dang-thieu-tram-trong-nhan-luc-so/