Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng và tin cậy của các doanh nghiệp Đức
Chia sẻ với TG&VN nhân dịp đầu năm mới, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam Marko Walde khẳng định, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng và tin cậy của các doanh nghiệp Đức.
Trong ấn phẩm “Đánh giá năm 2022” vừa được công bố mới đây, AHK Việt Nam đã đưa ra nhiều nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam. Cơ sở cho những nhận định này là gì, thưa ông?
Sau 2 năm phòng chống đại dịch Covid-19 với mức tăng trưởng GDP lần lượt là 2,9 và 2,6%, nền kinh tế Việt Nam đã có sự trở lại mạnh mẽ vào năm 2022 với mức tăng trưởng 8,02% và phục hồi tốt trên hầu hết các lĩnh vực. Lạm phát được kiểm soát ổn định ở mức 3%, xuất khẩu tăng 12%, tiêu dùng tăng 10% và vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 9%.
Kết quả cuộc khảo sát gần đây của chúng tôi có tên AHK World Business Outlook Fall 2022 cho thấy 38% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam khẳng định tình hình kinh doanh khả quan tại Việt Nam trong năm 2022 và mong đợi một kịch bản tốt hơn trong năm 2023.
Có được kết quả này đến từ các lý do sau. Thứ nhất, Việt Nam đã nhanh chóng ổn định, khôi phục sản xuất và khơi thông chuỗi cung ứng sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, tạo được nguồn hàng xuất khẩu ổn định. Thứ hai, các chính sách phục hồi kinh tế kịp thời, hiệu quả đã tạo sự ổn định và kiểm soát lạm phát. Thứ ba, các FTA thế hệ mới với mức độ tự do hóa thương mại và đầu tư cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng đột phá trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và thế giới.
Hợp tác đầu tư-thương mại được đánh giá là trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Đức. Trụ cột này đang tiếp tục được hai bên củng cố và tăng cường, đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng 11/2022. Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam có vai trò gì trong việc kết nối, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này? Ông nhận định thế nào vào dòng vốn FDI từ Đức sau chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz?
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng 11/2022 thể hiện cam kết và quyết tâm giữa lãnh đạo hai bên cùng nhau đưa quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp Việt Nam-Đức sang một trang mới.
Về kinh tế-thương mại, trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đều khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Nói chính xác hơn, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức ở Đông Nam Á.
38% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam khẳng định tình hình kinh doanh khả quan tại Việt Nam trong năm 2022 và mong đợi một kịch bản tốt hơn trong năm 2023.
Khảo sát AHK World Business Outlook Fall 2022
Ngoài ra, hiện có khoảng 500 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam, tạo gần 50.000 việc làm, qua đó tiếp tục đóng góp tích cực cho quan hệ hợp tác kinh tế song phương.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thảo luận về hợp tác năng lượng và thương mại với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, nhấn mạnh vai trò tăng trưởng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhiều công ty Đức xem xét đa dạng hóa hoạt động sản xuất bằng cách mở rộng sự hiện diện ra bên ngoài Trung Quốc.
Dựa trên điều kiện và môi trường thuận lợi tại Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng các nhà đầu tư Đức tăng cường đầu tư và sẽ có nhiều dòng vốn FDI cho các dự án có giá trị cao vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng xanh, y tế, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, điện tử và giáo dục.
Với EVFTA, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ công nghệ nổi tiếng của Đức trong quản lý và đào tạo, sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, ít lãng phí nguyên vật liệu và tài nguyên hơn. EVFTA thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền cơ bản của người dân tại nơi làm việc và môi trường. Đây là nền tảng tuyệt vời cho Việt Nam và khiến cho đất nước các bạn trở nên hấp dẫn hơn với hình ảnh một địa điểm đầu tư lý tưởng cho các dự án xanh và bền vững.
Với sứ mệnh thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai quốc gia Đức và Việt Nam, AHK Việt Nam đang nỗ lực tạo nền tảng kết nối các doanh nghiệp hai bên. Chúng tôi mong muốn giúp các công ty chuyển đổi thành công từ quốc gia sang quốc tế. Đồng thời, xây dựng cầu nối, tạo điều kiện tiếp cận thị trường, cung cấp địa chỉ liên hệ và giải quyết vấn đề.
Chúng tôi luôn là Đối tác trên toàn thế giới (PartnerWorldwide) và Đối tác tại Việt Nam (PartnerInVietnam) của các công ty Đức mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ phong phú với thương hiệu DEinternational bao gồm thông tin thị trường, thâm nhập thị trường, phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp Đức – hệ sinh thái dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ; hệ thống đào tạo nghề kép và giáo dục nâng cao theo tiêu chuẩn Đức...
Cuối cùng, thế mạnh của chúng tôi là một đội ngũ có trình độ, năng động và giàu kinh nghiệm người Việt Nam và người Đức tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Với nền tảng này, các công ty có thể hưởng lợi và tiết kiệm thời gian khi muốn nghiên cứu và thâm nhập thị trường Việt Nam.
Thương mại Việt Nam-Đức đã có bước phát triển thế nào nhờ lực đẩy EVFTA? Các doanh nghiệp Đức đã tận dụng Hiệp định này như thế nào để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Việt Nam?
EVFTA, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn trong hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-EU đang phát triển tích cực. EVFTA được kỳ vọng sẽ làm tăng đáng kể thương mại song phương và mở ra cơ hội mới cho các công ty Đức tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư tại Việt Nam bằng cách loại bỏ thuế quan song phương và thuế xuất khẩu, giảm các rào cản phi thuế quan ảnh hưởng đến trao đổi hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới và đầu tư cho các công ty Đức tại Việt Nam.
Sau 2 năm triển khai, mặc dù chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ xuất nhập khẩu Việt Nam-Đức đã đảo chiều và tăng trưởng mạnh so với các năm trước. Theo thống kê, từ ngày 1/1 đến ngày 20/11, Việt Nam và Đức có tổng giá trị thương mại là 14,8 tỷ USD, tăng tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Cơ quan Thống kê liên bang (Destatis).
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng khả quan như dệt may, giày dép, thủy sản. Các sản phẩm xuất khẩu có nhu cầu cao nhất từ Đức sang Việt Nam là máy móc (tăng 13%), dược phẩm (tăng 51%), sản phẩm hóa chất, máy tính và ô tô.
Kết quả cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được lợi thế từ EVFTA. Bốn trong số mười doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng lợi từ EVFTA và 71% công ty Đức tại Việt Nam xác nhận rằng EVFTA đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của họ tại đây, theo khảo sát AHK World Business Outlook Fall 2022.
Thương mại giữa hai bên đã chứng kiến sự tăng trưởng ổn định và dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai, điều này sẽ thuận lợi cho các nhà xuất khẩu của Đức và Việt Nam trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Đức đang quan tâm đến những lĩnh vực nào tại Việt Nam? Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đang là mục tiêu mà Việt Nam hướng đến và là lĩnh vực mà Đức có thế mạnh, ông nhận định thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này?
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn và chiến lược đa dạng hóa của Đức, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng và tin cậy của các doanh nghiệp Đức.
Hiện nay, có nhiều lĩnh vực tiềm năng mà doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác sâu rộng hơn như năng lượng tái tạo, công nghê thông tin, công nghệ môi trường, chế biến thực phẩm, sản xuất công nghệ cao, dược phẩm, y tế và giáo dục đào tạo.
Ngoài ra, Đức cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam thực hiện mô hình phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Lĩnh vực trọng tâm là bảo vệ khí hậu bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và hội nhập kinh tế. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới, cùng với những bài học kinh nghiệm mà Đức đã học được.
Chúng tôi đã chứng kiến cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, mô hình kinh tế tuần hoàn với phát triển kinh tế xanh, như Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, khí thải với công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, với việc là quốc gia thứ ba đạt được thỏa thuận thành lập Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership – JETP) mang lại cho Việt Nam một thỏa thuận trị giá 15,5 tỷ USD để tránh 500 mega tấn khí thải vào năm 2035, giúp Việt Nam “xây dựng ngành năng lượng của thế kỷ XXI".
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz, Đức cũng đã ký kết một số hiệp định hợp tác năng lượng, thể hiện cam kết hỗ trợ của Đức trong việc xây dựng mô hình phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.