Việt Nam đang xếp hạng rất thấp về công khai ngân sách

Thông tin đáng chú ý vừa được đưa ra tại Tọa đàm 'Góc nhìn chuyên gia về Dự thảo dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2019' ngày 29/10, tại Hà Nội.

Tọa đàm do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các chuyên gia, các tổ chức xã hội và các công dân quan tâm tới chủ đề ngân sách nhà nước (NSNN) thảo luận về Dự thảo dự toán NSNN năm 2019.

Nhiều khoản chi không cần thiết

Phát biểu tại Tọa đàm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, dù còn hạn chế nhưng tiến độ minh bạch, công khai ngân sách của Việt Nam thời gian gần đây đã có những tiến bộ đáng ghi nhận, cung cấp thêm thông tin cho công luận, người dân có thể theo dõi, giám sát và đóng góp vào những nội dung của ngân sách.

Tuy nhiên, ông Doanh cho rằng, mức độ công khai, minh bạch của ngân sách Việt Nam so với các tiêu chuẩn công khai, minh bạch của quốc tế đang còn xa và Việt Nam đang xếp hạng rất thấp về công khai ngân sách.

Tọa đàm “Góc nhìn chuyên gia về Dự thảo dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2019” ngày 29/10 tại Hà Nội. (Ảnh: Trần Vỹ)

“Số lượng trang công bố về quyết toán ngân sách, chi tiêu ngân sách của Bộ Tài chính ta so với số lượng trang của Bộ Tài chính Pháp, Thụy Điển hay Hàn Quốc thì còn cách biệt khá xa. Ví dụ, Bộ Tài chính Pháp là hơn 1.900 trang, của Thụy Điển là hơn 2.000 trang, của Việt Nam thì chỉ khoảng 700 - 800 trang. Với sự chênh lệch con số đó, nếu các chuyên gia có muốn truy tìm hay nghiên cứu vấn đề gì liên quan đến ngân sách thì chắc sẽ rất khó khăn”, ông Doanh dẫn chứng.

Theo ông Doanh, bộ máy Nhà nước đang quá cồng kềnh, trùng lặp, nhiều khoản chi không cần thiết, quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Dẫn chứng về các khoản chi không cần thiết, TS. Lê Đăng Doanh kể lại, ông từng biết một chuyến bay đi từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh khoảng hơn 1 tiếng, trong khi Thứ trưởng của ta ngồi hạng thương gia thì lãnh đạo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đại sứ các nước… chỉ ngồi hạng ghế phổ thông.

“Quy định của quốc tế thì với chuyến bay trên 8 tiếng, đại biểu mới được hưởng chế độ bay theo hạng thương gia thì quy định của Việt Nam với chuyến bay trên 1 tiếng, các Thứ trưởng đã được hưởng chế độ này. Tôi cho rằng cần phải xem xét nghiêm túc vì đây là mức chi tiêu không cần thiết, vượt quá thông lệ quốc tế”, ông Doanh kiến nghị.

Nguồn thu từ thuế phí đang giảm rõ rệt

Liên quan đến Dự toán NSNN năm 2019, vấn đề mất cân bằng thu chi ngân sách tiếp tục là câu chuyện thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như giới chuyên gia.

Nhìn nhận bức tranh thu ngân sách của Việt Nam qua các năm cũng như dự toán năm 2019, PGS.TS Vũ Sỹ Cường - chuyên gia kinh tế tài chính và chính sách công cho biết tỷ trọng thu ngân sách của Việt Nam không cao, tỷ lệ huy động vào NSNN qua các năm từ 23 - 24%, trong đó từ thuế phí dao động trong ngưỡng 18 - 20%, chưa đạt chiến lược thu từ ngành thuế.

Ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, gánh nặng thuế phí của người dân Việt Nam chưa cao. Ông lo ngại trong dự toán ngân sách 3 năm gần đây, số thu từ thuế phí có xu hướng giảm xuống, trong khi chiến lược của ngành thuế là tăng lên.

Ông Cường tính toán, số thu từ thuế và lệ phí trong GDP năm 2017 là 22,7%, năm 2018 là 19%, năm 2019 giảm xuống 18,7%. Thuế phí là nguồn thu quan trọng nhất nhưng xu hướng đang giảm rõ rệt. Đây là một rủi ro rất lớn về dài hạn cho ngân sách. Trong khi đó, ngân sách lại đang được bù đắp bằng những nguồn thu không bền vững như đất đai, tài nguyên, bán tài sản doanh nghiệp...

Thuế phí là nguồn thu quan trọng nhất nhưng xu hướng đang giảm rõ rệt. Đây là một rủi ro rất lớn về dài hạn cho ngân sách. (Nguồn: Tạp chí Thuế)

“Về dài hạn, tỷ lệ thu thuế, phí vào ngân sách mà giảm thì ngân sách đó sẽ không bền vững, tôi chắc chắn là như vậy. Trong khi chúng ta luôn trì hoãn việc xây dựng các loại thuế phù hợp. Cá nhân tôi cho rằng không có bữa trưa nào miễn phí, nhưng tại sao người dân lại phản ứng mạnh việc tăng thuế phí như vậy? Phải chăng lòng tin của họ vào việc tiêu dùng ngân sách chưa cao”, ông Cường đặt vấn đề.

Còn ông Doanh thì lo ngại, nguồn thu ngân sách cũng đang dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài (khoảng 72%), trong khi giá trị gia tăng thu về lại rất hạn chế. Có thể sản lượng xuất khẩu cao làm tăng GDP nhưng chưa chắc ngân sách đã tăng được tương ứng. Trong khi đó, thu từ dầu thô lại không bền vững, sản lượng dầu thô đang có xu hướng giảm, tình hình thu ngân sách từ nguồn này vì thế cũng đang có biến động.

Về vấn đề này, TS. Đăng Doanh đề xuất, trong các khoản thu, cần xem xét lại khoản thu thuế từ các hộ kinh tế gia đình, vì khoản thu này hiện chưa bình đẳng, tương xứng. Bên cạnh những biện pháp tăng thu, cần phải giảm chi, đặc biệt là chi thường xuyên để không tạo áp lực quá lớn đến ngân sách.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị vấn đề thu chi NSNN cần công khai, minh bạch hơn, thay vì những con số chung chung như hiện nay. Các chuyên gia cho rằng, việc chi ngân sách được người dân đặc biệt quan tâm, tuy nhiên hằng năm, người dân chỉ nắm bắt được con số chung chung về chi đầu tư, chi thường xuyên, chi trả nợ...

Sau Tọa đàm, các ý kiến thảo luận sẽ được BTAP tổng hợp và gửi tới các đại biểu Quốc hội nhằm cung cấp thêm thông tin cho việc quyết định dự toán NSNN năm 2019.

Vừa qua, Thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã công khai dự thảo dự toán NSNN trình Quốc hội trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán NSNN năm 2019 để xin ý kiến rộng rãi. Báo cáo nhằm cung cấp các thông tin về NSNN đến các tổ chức, cá nhân một cách kịp thời, tạo điều kiện cho việc tham gia, góp ý và giám sát quá trình lập dự toán, phân bổ NSNN năm 2019.

Bản báo cáo Bộ Tài chính công khai gồm 4 phần: Đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2018; Dự toán NSNN năm 2019; Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2019-2021; Phụ lục số liệu về NSNN thực hiện năm 2018 và dự toán NSNN năm 2019.

Trần Vỹ

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/viet-nam-dang-xep-hang-rat-thap-ve-cong-khai-ngan-sach-80527.html