Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu trứng, thịt gà... sang nhiều nước
Các cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc gia cầm mời cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu đến đánh giá, công nhận chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký ban hành quyết định “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030”.
Kế hoạch này hướng đến mục tiêu chung xây dựng được các cơ sở vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đồng thời bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.
Bên cạnh đó, xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, TP.HCM theo tiêu chuẩn của Việt Nam và Tổ chức thú y thế giới (WOAH).
Đối với xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu được thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản, Hồng Kông, năm nước Liên minh kinh tế Á- Âu, Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU và Trung Quốc; Xuất khẩu được trứng và sản phẩm từ trứng gia cầm sang Hồng Kông, Singapore, Nhật, Hoa Kỳ, Úc; Xuất khẩu thịt heo sang Malaysia, Trung Quốc; sữa và sản phẩm từ sữa sang Malaysia, Indonesia; mật ong, sản phẩm ong sang Nhật Bản, Thái Lan...
Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao chỉ đạo Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh công tác đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; Chủ động nghiên cứu thị trường các nước, thúc đẩy quảng bá đồng thời hỗ trợ DN Việt đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang các nước.
Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường cập nhật thông tin sản xuất, thị trường, nhu cầu nhập khẩu của nước sở tại.
Đối với các cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc gia cầm có nhu cầu xuất khẩu cần chủ động phối hợp cơ quan chuyên môn thú y các cấp, các đơn vị liên quan của địa phương lập đề án xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Các cơ sở cũng cần xây dựng hồ sơ đăng ký chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam. Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ, mời cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu đến đánh giá, công nhận chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh theo quy định của WOAH và yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật cần đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng trang thiết bị từng công đoạn của chuỗi sản xuất; bảo đảm đáp ứng yêu cầu ATTP.