Việt Nam đạt nhiều kết quả trong bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho người dân

Phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được thay đổi qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí, thống nhất.

Cán bộ phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) trao Giấy đăng ký kết hôn cho đôi vợ chồng trẻ. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Cán bộ phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) trao Giấy đăng ký kết hôn cho đôi vợ chồng trẻ. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Sáng 16/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024.

Hội nghị là dịp để khẳng định sự hội nhập quốc tế của Việt Nam trong các hoạt động bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân nói riêng, quyền cơ bản của con người nói chung nhằm hướng đến mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau."

Phản ánh sinh động bức tranh hộ tịch ở Việt Nam

Tại Hội nghị, báo cáo tóm tắt Tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, ông Nhâm Ngọc Hiển - Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), cho biết ngày 23/1/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội.

Qua hơn 7 năm thực hiện chương trình, Việt Nam đã đạt những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực với công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân. Phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được thay đổi qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí, thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gồm trên 10.000 ủy ban nhân dân cấp xã, hơn 700 ủy ban nhân dân cấp huyện) và trong thời gian tới sẽ triển khai tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Kết quả cụ thể thực hiện Chương trình đã mang đến những số liệu phản ánh sinh động bức tranh hộ tịch ở Việt Nam. Theo đó, về đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh duy trì ở mức cao từ năm 2019 đến nay - đều trên 98,5%, vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động đề ra (đến năm 2020 có 97%, năm 2024 có 98,5% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh).

Tỷ lệ đăng ký khai tử đạt được mục tiêu Chương trình hành động đề ra. Tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn cuối chu kỳ cao (72,25%) phản ánh nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, cũng như thể hiện những nỗ lực của hệ thống các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch từ Trung ương đến địa phương. Khi đăng ký khai tử, cơ quan có thẩm quyền đều ghi nhận nguyên nhân tử vong, nhưng do tỷ lệ các trường hợp chết ngoài cơ sở y tế cao (khoảng 86%), nên nguyên nhân tử vong chỉ được ghi theo thông tin do người đi đăng ký khai tử cung cấp, chưa bảo đảm chuẩn quốc tế.

 Cán bộ phường hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Cán bộ phường hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Về đăng ký nuôi con nuôi, từ 2017-2023 có 19.800 trường hợp đăng ký nuôi con nuôi trong nước, trung bình 2.800 trường hợp/năm, góp phần bảo đảm cho trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình thay thế ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc thu thập số liệu về tình hình nuôi con nuôi thực tế ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn, như tỷ lệ con nuôi thực tế được đăng ký không cao.

Về đăng ký kết hôn, ghi vào sổ việc ly hôn, ông Nhâm Ngọc Hiển cho biết từ 2017-2020, cả nước có 2.778.532 cặp đăng ký kết hôn, trong đó kết hôn lần đầu là 2.479.308 cặp (89,23%). Giai đoạn 2021-2023, số liệu tương ứng là 1.890.488/1.618.020 (85,58%). Tỷ lệ kết hôn lần đầu có xu hướng giảm, trong khi tuổi trung bình kết hôn lần đầu của nam và nữ có xu hướng tăng.

Số vụ ly hôn, hủy kết hôn trái pháp luật ở trong nước được ghi vào sổ hộ tịch tăng dần từ 2017-2023; cả nước có 187.690 vụ ly hôn được tòa án giải quyết.

Việc công bố, phổ biến thông tin thống kê hộ tịch hàng năm được công khai tại Trang công tác thống kê ngành Tư pháp. Tuy nhiên, công tác thống kê hộ tịch còn gặp một số khó khăn như chưa thu thập được số liệu về “số trẻ em sinh ra trong năm được đăng ký khai sinh," “số người chết trong năm được đăng ký khai tử." Số liệu về “số trẻ em được sinh ra trong năm," “số người chết trong năm” do Bộ Y tế và Tổng cục Thống kê thu thập, nhưng các cơ quan này chưa tiến hành công bố số liệu tuyệt đối định kỳ nên chưa tính được tỷ lệ đăng ký kịp thời.

Đảm bảo tiếp cận dễ dàng hệ thống đăng ký hộ tịch

Tại Hội nghị, đại diện bộ, ngành chức năng, địa phương, tổ chức quốc tế đã thảo luận, đánh giá những mặt tích cực, hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ trong triển khai thực hiện Chương trình hành động.

Nhiều ý kiến, tham luận đóng góp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, trong đó tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, tiếp tục cải cách, phân cấp mạnh mẽ, tiến tới tăng mạnh tỷ lệ đăng ký hộ tịch trực tuyến, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện đăng ký hộ tịch không phụ thuộc nơi cư trú...

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế Công cộng toàn cầu (Vital Strategies) là hai đối tác phối hợp, hỗ trợ để Việt Nam triển khai Chương trình.

Đại diện UNFPA, bà Phạm Thị Lan, Trưởng nhóm Dân số và Phát triển, cho rằng do hệ thống đăng ký hộ tịch có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, là cơ sở giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu như cư trú, giáo dục, y tế, việc làm… nên cần đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận hệ thống đăng ký thống kê hộ tịch một cách dễ dàng, tiện lợi.

 Người dân đến làm thủ tục hành chính công tại Trung tâm. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Người dân đến làm thủ tục hành chính công tại Trung tâm. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các nhóm yếu thế để họ được đăng ký đầy đủ, đúng hạn; việc phát triển dịch vụ đăng ký trực tuyến cần đảm bảo hệ thống đăng ký dễ sử dụng và toàn trình, đồng thời hệ thống đăng ký thống kê hộ tịch cần đảm bảo cập nhật thường xuyên, liên tục, kết nối giữa các ngành theo nguyên tắc đúng, đủ, sạch sống...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký và thống kê hộ tịch trong thời gian tới, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành chức năng, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch và lĩnh vực liên quan; tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với công tác đăng ký và thống kê hộ tịch; đẩy mạnh hoạt động truyền thông về quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong đăng ký hộ tịch. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; tập trung nguồn lực để hoàn thiện Dự án đầu tư công về nâng cấp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-dat-nhieu-ket-qua-trong-bao-dam-quyen-dang-ky-ho-tich-cho-nguoi-dan-post1002364.vnp