'Việt Nam dạy cho tôi biết mọi thứ về ngoại giao sáng tạo trong gần 50 năm qua'

Các học giả quốc tế phân tích thành công của chính sách đối ngoại Việt Nam trong 50 năm xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày 11/7/1995, trong căn phòng lớn tại Nhà Trắng, hàng loạt quan chức và khách mời tập hợp. Đây không phải là một sự kiện bình thường. Nó đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.

Tổng thống Bill Clinton đứng trên bục phát biểu mang biểu tượng của Nhà Trắng, đưa ra thông báo lịch sử. Ông tuyên bố Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, hai thập kỷ sau khi cuộc chiến kết thúc. Ông Clinton nhấn mạnh nỗ lực của hai bên trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, coi đó là nền tảng để tiến tới hòa giải và hợp tác.

Đó chỉ là một trong nhiều dấu ấn đối ngoại mà Việt Nam đạt được trong 50 năm xây dựng đất nước từ sau chiến tranh. Trong suốt chiều dài lịch sử, đối ngoại Việt Nam đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của đất nước.

Nhìn nhận về các thành quả đối ngoại của Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước, các chuyên gia, học giả quốc tế đánh giá cao vai trò của ngoại giao Việt Nam trong thúc đẩy đối thoại, kiến tạo hòa bình trong lịch sử và hiện tại.

Ngoại giao sáng tạo và nỗ lực

Ông John McAuliff, Giám đốc điều hành Quỹ Hòa giải và Phát triển Mỹ (FRD) phát biểu trong một sự kiện tại Hà Nội: “Tôi cảm thấy có phần tự phụ khi là một người Mỹ nói về vấn đề hòa giải với Việt Nam, vì đất nước này đã dạy cho tôi biết mọi thứ về ngoại giao sáng tạo trong gần 50 năm qua. Từ những nhà ngoại giao dạy cho tôi biết rằng bạn không thể di chuyển một quốc gia về mặt địa lý, nhưng có thể thay đổi môi trường chính trị và do đó là môi trường chiến lược”.

Ông cho biết, những đại sứ Mỹ, bắt đầu với ông Pete Peterson, nhận ra rằng uy tín của Mỹ với người dân Việt Nam được xây dựng trên nền tảng đạo đức của các nhà hoạt động phản đối chiến tranh, các tổ chức phi chính phủ và nhóm cựu chiến binh giải quyết các vấn đề nhân đạo như chất độc màu da cam và bom mìn. Chưa kể đến những người tiên phong trong cộng đồng doanh nghiệp và các trường đại học Mỹ.

“Ai có thể hình dung được từ 50 năm trước những gì chúng ta thấy hôm nay, ngay ở đây trên đất nước này? Xây dựng bùng nổ, kinh tế phát triển, sự tham gia của các ngành nghề. Hay việc những người từng là kẻ thù trở thành đối tác chiến lược toàn diện, đến khẳng định tầm quan trọng của các vùng biển hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, tự do hàng hải dựa trên luật lệ. Nửa thế kỷ trước, người Việt Nam, với sự ủng hộ trên khắp thế giới, bao gồm từ chính trong lòng nước Mỹ, đã vượt qua những gì từng được cho là không thể đánh bại".

Ông John Kerry và ông John McCain.

Ông John Kerry và ông John McCain.

Bà Virginia B.Foote, Giám đốc điều hành Bay Global Strategies, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam, nhấn mạnh việc những mục tiêu chung đã giúp các bên xây dựng mối quan hệ và giải quyết bất đồng.

“Tôi muốn tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định Hòa bình Paris vì cuối cùng Hiệp định đã dẫn đến kết thúc chiến tranh, thiết lập các mối quan hệ đưa chúng ta đến với hòa bình. Khi đó, đã có những mối quan hệ được thiết lập giữa các nhà ngoại giao, sau đó trở thành nền tảng cho giai đoạn tiếp theo, dù phải mất nhiều năm”.

Bà bình luận, một thành phần quan trọng khác của phát triển mối quan hệ là các cựu binh, như Thượng nghị sĩ John Kerry, Thượng nghị sĩ John McCain. Cùng với người Việt Nam, từ những năm 1980, họ thực sự tăng tốc trong việc xem xét các vấn đề di sản chiến tranh và bắt đầu giải quyết. Mất nhiều năm, nhưng mối quan hệ đó là một phần rất quan trọng. Các cựu chiến binh Việt Nam đã rất chào đón những cựu chiến binh Mỹ trở về Việt Nam.

“Tôi nghĩ một phần quan trọng khác của quá trình là quyết định Đổi mới của Việt Nam năm 86, đã quyết định vươn ra và xây dựng các mối quan hệ toàn cầu, không chỉ với Mỹ”.

Việt Nam và Mỹ ban đầu chưa có mối quan hệ có đi có lại, nhưng thông qua ngoại giao, hai nước từ từ xây dựng mối quan hệ đi đến một điểm mà chính phủ Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm vận và thiết lập bình thường hóa vào tháng 7 cách đây 30 năm. Những kết quả khác đi vào các hiệp định thương mại, việc Việt Nam gia nhập WTO... Sau đó, hai nước nâng quan hệ lên đối tác toàn diện và đối tác chiến lược toàn diện. "Điều này đòi hỏi rất nhiều công sức từ phía Việt Nam, từng bộ ngành, từng phòng ban".

Đoàn Nghị sỹ Quốc hội Mỹ tham quan công trình xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng năm 2017. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Đoàn Nghị sỹ Quốc hội Mỹ tham quan công trình xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng năm 2017. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ông Tim Rieser (cố vấn cấp cao của Thượng nghị sĩ Peter Welch, Trợ lý cao cấp về chính sách đối ngoại của nguyên Thượng nghị sĩ Patrick Leahy) nhìn lại quá trình làm việc với các đối tác Việt Nam để hai bên từ cựu thù thành đối tác. “Điều chúng tôi học được ngay từ đầu là phải nói chuyện với nhau theo cách khác, bởi vì có rất nhiều sự ngờ vực, tức giận về những hệ quả của chiến tranh như chất độc màu da cam và hàng triệu quả bom chưa nổ, rất nhiều người phải chịu di chứng khuyết tật. Chúng tôi cần phải suy nghĩ khác đi và tìm cách biến những vấn đề gây oán giận thành vấn đề có thể hợp tác.

Điều đó thực sự đòi hỏi phải xây dựng lòng tin, và mất nhiều năm. Nhưng ngay từ đầu chúng tôi tìm cách giải quyết những hậu quả của cuộc chiến đã gây ra nhiều đau khổ cho người dân Việt Nam và người dân Mỹ”.

Ông cho biết, cả ông và Thượng nghị sĩ Leahy sống sót qua thời kỳ chiến tranh và trực tiếp đánh giá được thảm họa mà cuộc chiến gây ra cho cả hai quốc gia. Khi ông Leahy trở thành Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, họ thấy mình ở vị trí có thể tập trung vào giải quyết những di sản chiến tranh này sau khi bình thường hóa.

Ông cho rằng bất kể mọi việc diễn ra như thế nào trong ngắn hạn, người dân Việt Nam và người dân Mỹ có rất nhiều điểm chung trong mong muốn vượt qua lịch sử khó khăn của những năm 1960 và 1970, và sau 30 năm cùng nhau làm việc, mối quan hệ hợp tác và đối tác đã được thiết lập vững chắc.

Ngày 20/9/1977, Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 20/9/1977, Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) thông qua Nghị quyết công nhận Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đoàn kết quốc tế sâu sắc, kiên định lập trường

Bà Latana Siharaj, Phó Đại sứ Lào tại Việt Nam, khi nói về vai trò của Ngoại giao Việt Nam trong giải quyết xung đột và phát triển sau chiến tranh, đề cập tinh thần đoàn kết quốc tế sâu sắc và nhất quán.

“Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trên các diễn đàn. Việt Nam không chỉ tranh thủ sự ủng hộ từ bạn bè năm châu, mà còn tích cực giúp đỡ các nước, trong đó có Lào, trên tinh thần giúp bạn là giúp mình”.

Không chỉ vậy, ngoại giao Việt Nam đóng góp quan trọng cho giải quyết xung đột và tranh chấp, sử dụng biện pháp hòa định dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của các bên. Trong bối cảnh đất nước bị bao bây cấm vận và đối mặt với nhiều hậu quả chiến tranh, ngoại giao Việt Nam trở thành cánh tay nối dài để phá vỡ thế cô lập, mở rộng quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cho tái thiết.

Chiều 20/9/2023, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 20/9/2023, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ông Vương Xung, Giáo sư danh dự Học viện Ngoại ngữ Chiết Giang, Phó Tổng thư ký Học hội Charhar, Trung Quốc bình luận:

“Tôi tin rằng ngoại giao của Việt Nam luôn được đánh dấu bằng ý thức mạnh mẽ về độc lập và chủ nghĩa hiện thực. Trong những năm tháng khó khăn của chia cắt và đấu tranh, Việt Nam khéo léo sử dụng ngoại giao song phương và đa phương để xây dựng sự ủng hộ của quốc tế. Các bạn không bao giờ từ bỏ các nguyên tắc của mình, nhưng luôn linh hoạt và có chiến lược. Sự kết hợp đó tạo nên khác biệt thực sự”.

Học giả Trung Quốc phân tích, bằng cách duy trì đường lối tự chủ và các lợi ích cốt lõi, Việt Nam đảm bảo tiếng nói của mình được lắng nghe và tôn trọng. “Ngoại giao Việt Nam cũng cho thấy sự kết hợp sâu rộng giữa sức mạnh và đối thoại. Họ không tránh xung đột, nhưng không bao giờ quên mục tiêu dài hạn như hòa bình và thống nhất, vốn đã được rút ra từ quá trình đàm phán...

Kinh nghiệm của Việt Nam nhắc nhở chúng ta rằng ngoại giao không chỉ là quản lý các mối quan hệ với người khác. Đó là biết cách kể câu chuyện của các bạn”.

Ông Grigory Trofimtruck, chuyên gia Nga bình luận, từ quá trình thống nhất, tái thiết sau chiến tranh đến công cuộc Đổi mới năm 1986 và bước vào giai đoạn hội nhập, phát triển toàn diện từ đầu những năm 2000, Việt Nam đã chứng minh sự bền bỉ và tầm nhìn chiến lược trong tiến trình hiện đại hóa đất nước. Trong đó, chính sách đối ngoại nhất quán, kết hợp giữa bản lĩnh và thiện chí, đã giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

“Thành công trong chính sách đối ngoại của Việt Nam có được là nhờ nền tảng vững chắc từ thành công trong nước – hai yếu tố luôn gắn bó mật thiết”.

Ông cho rằng, ngày nay, trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều nguy cơ cực đoan, Việt Nam tiếp tục là một đối tác tin cậy. Chính sách đối ngoại cân bằng, đặc biệt trong quan hệ với các nước láng giềng như Trung Quốc và ASEAN, cho thấy nỗ lực giải quyết bất đồng bằng đối thoại và hợp tác. Việt Nam – với tư cách là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, WTO và nhiều tổ chức quốc tế – góp phần thúc đẩy an ninh và ổn định toàn cầu.

“Một minh chứng rõ nét cho năng lực quản trị và khả năng thích ứng của Việt Nam là mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng ngay cả trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn duy trì nền kinh tế ổn định và từng bước khẳng định vai trò, tiếng nói của mình trong khu vực và thế giới”.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/viet-nam-day-cho-toi-biet-moi-thu-ve-ngoai-giao-sang-tao-trong-gan-50-nam-qua-ar940694.html