Việt Nam đề nghị Nhật Bản hỗ trợ triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Nhật Bản xem xét rà soát các cam kết theo thỏa thuận đã ký kết năm 2011, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng vừa được diễn ra tại trụ sở Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản,

Tại Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Muto Yoji cho biết, quan hệ hợp tác giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, song dư địa thị trường vẫn còn rất lớn.

Do vậy, Bộ trưởng Muto Yoji đề nghị 2 bên cùng nhau trau đổi, thảo luận, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy hợp tác phát triển ngành công nghiệp, năng lượng, hợp tác đầu tư... giữa 2 quốc gia.

Hai Bộ trưởng thông qua tuyên bố chung của Kỳ họp lần thứ 7 UBHH Việt Nam – Nhật Bản về công nghiệp, thương mại và Năng lượng (Ảnh: MOIT).

Hai Bộ trưởng thông qua tuyên bố chung của Kỳ họp lần thứ 7 UBHH Việt Nam – Nhật Bản về công nghiệp, thương mại và Năng lượng (Ảnh: MOIT).

Phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết rong thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đẩy mạnh đầu tư tại thị trường Việt Nam. Lũy kế hết tháng 11/2024, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của Việt Nam với gần 5.500 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 77,7 tỷ USD chiếm 15,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sản xuất, góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối của doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian qua.

"Việt Nam có mong muốn tham gia sâu hơn và trở thành một trong các mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Về các giải pháp phát triển hợp tác các ngành công nghiệp, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản xem xét phối hợp xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Hoan nghênh việc khởi động sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới và kỳ vọng về những tiến triển hơn nữa trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giúp Việt Nam trở thành nước công nghiệp trong năm 2045.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị 2 bên tăng cường hợp tác hướng tới phát triển các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao như ô tô, điện tử, công nghiệp xanh...

Về các giải pháp thúc đẩy phát triển thương mạigiữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tăng cường thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Kỳ họp, ông Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác năng lượng.

Tại Kỳ họp, ông Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác năng lượng.

Nói về việc hợp tác trong khuôn khổ CPTPP, Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản và các Thành viên CPTPP khác trong việc thúc đẩy và nâng tầm Hiệp định, cũng như bảo đảm việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả nhất, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân của tất cả các nước thành viên.

Đồng thời, Bộ trưởng hoan nghênh kết quả mà các nhiều thành viên IPEF (Hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương). Trong đó có Nhật Bản đạt được trong việc ký kết, phê chuẩn Hiệp định Trụ cột III, IV của IPEF. Hiện nay Việt Nam cũng đang tích cực triển khai thủ tục trong nước để ký Hiệp định Trụ cột III, IV và Hiệp định tổng thể IPEF.

Trong chuyến công tác này, Tổng cục Quản lý thị trường cũng sẽ ký MOU hợp tác với Diễn đàn Bảo vệ sở hữu trí tuệ quốc gia Nhật Bản. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng đây sẽ là tiền đề vững chắc để 2 bên hợp tác hiệu quả trong thời gian sắp tới.

Đặc biệt, tại Kỳ họp, ông Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác năng lượng.

Theo đó, đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương và Bộ METI tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả hoạt động của Nhóm Công tác thúc đẩy AZEC trong thời gian tới.

Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), lựa chọn phù hợp các dự án cụ thể để cùng nhau hoàn thiện cơ chế và công nghệ.

"Tháng 11/2023, 2 Bộ chúng ta đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, đến nay, phía Việt Nam vẫn đang chờ đợi những hỗ trợ cụ thể của Nhật Bản trong khuôn khổ MOU cũng như theo khuôn khổ Quỹ hỗ trợ Chuyển dịch năng lượng châu Á mà Nhật Bản đưa ra", ông Diên nói.

Nói về hợp tác phát triển điện hạt nhân, Bộ trưởng đã thông báo việc Việt Nam tuyên bố tái khởi động các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Để quá trình tái khởi động dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận 2 được thuận lợi, ông đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan phía Nhật Bản xem xét rà soát các cam kết theo thỏa thuận đã ký kết năm 2011, tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính cho Việt Nam để triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đồng thời, tiếp tục đào tạo lại lượng nhân lực cũ đã được đào tạo tại Nhật Bản trước đây nếu họ còn đủ điều kiện và có nguyện vọng.

Phạm Thị Thanh Loan

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/viet-nam-de-nghi-nhat-ban-ho-tro-trien-khai-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-204241221181124048.htm