Việt Nam đề xuất 3 định hướng ưu tiên trong trụ cột kinh tế Năm ASEAN năm 2020

Sáng ngày 28/11, Hội nghị Quan chức kinh tế ASEAN hẹp (SEOM Retreat) và các hội nghị kỹ thuật có liên quan đã chính thức khai mạc tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh. Hội nghị này là sự kiện đầu tiên của kênh kinh tế trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Theo thông lệ của tất cả các nước, khi chuẩn bị bắt tay vào năm tiếp theo, cuối năm trước đó, các nước đều tổ chức hội nghị hẹp để nước chủ nhà trình bày sáng kiến ưu tiên của mình trong toàn bộ năm tiếp theo. Từ đó, lấy ý kiến và lên chương trình đặc biệt cho toàn bộ hoạt động kênh kinh tế của Năm ASEAN đó. Không nằm ngoài thông lệ đó, Việt Nam tổ chức Hội nghị SEOM Retreat để trình bày những ý tưởng về sáng kiến trong ASEAN, lộ trình trong ASEAN năm tới như thế nào và những cơ chế cần thiết có thể thúc đẩy thực hiện một cách có hiệu quả nhất những sáng kiến ưu tiên đó.

Theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đây là hội nghị quan trọng nhất trong nhiệm kỳ chủ tịch, nhằm xác định các định hướng ưu tiên kinh tế của ASEAN để triển khai trong năm 2020.

Với vai trò chủ trì kênh kinh tế, trên cơ sở chủ đề "Gắn kết và Chủ động thích ứng", Việt Nam đã đặt ra 3 định hướng ưu tiên trong trụ cột kinh tế ASEAN trong năm 2020 bao gồm thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực nội khối ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững, và nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN. Trên cơ sở 3 định hướng này, Việt Nam đang xây dựng và tổng hợp các sáng kiến, ưu tiên cụ thể.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Lương Hoàng Thái cho biết, riêng kênh kinh tế, Việt Nam đã xây dựng được Dự thảo 15 sáng kiến ưu tiên khác nhau, thể hiện quan điểm của Việt Nam thúc đẩy hợp tác nội dung kinh tế ASEAN năm 2020 như thế nào. Những chủ đề ưu tiên này gắn chặt với chủ đề ưu tiên chung của toàn bộ năm ASEAN cho tất cả các kênh, bao trùm toàn diện những ý tưởng hợp tác ASEAN của Việt Nam được các Bộ, ngành xây dựng và được Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo sát sao để hoàn thành ý tưởng này.

Đây là dịp đầu tiên Việt Nam đệ trình sáng kiến này lên các nước ASEAN và thông qua việc góp ý của các nước ASEAN để sẵn sàng bắt tay xây dựng Năm ASEAN thành công”- ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Tại Hội nghị SEOM hẹp này, Việt Nam sẽ giới thiệu 3 định hướng này và sơ bộ các sáng kiến, ưu tiên để tham vấn với các nước ASEAN, trước khi thống nhất toàn bộ vào trước kỳ họp SEOM chính thức lần thứ nhất vào tháng 1 năm sau.

Bên cạnh việc xác định các ưu tiên kinh tế do Việt Nam đề xuất, Hội nghị SEOM hẹp còn là dịp để các nước thảo luận ưu tiên của các nhóm công tác chuyên ngành, chương trình làm việc của cả năm 2020, tình hình hoạt động của đại diện kinh tế tại Phái đoàn thường trực ASEAN, việc gia nhập ASEAN của Đông Timor. Hội nghị SEOM Retreat diễn ra từ ngày 28-29/11/2019.

Được biết, 2020 là năm có nhiều ý nghĩa với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Với ASEAN, là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN đồng thời đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây và phát huy những kinh nghiệm tổ chức các hội nghị lớn như ASEAN 1998 và 2010, APEC 2017...

Theo đó, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là 2 dịp Hội nghị Cấp cao vào tháng 4 và tháng 11/2020.

5 ưu tiên chính sẽ được Việt Nam thúc đẩy trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, bao gồm: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.

Phương - Hường - Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-de-xuat-3-dinh-huong-uu-tien-trong-tru-cot-kinh-te-nam-asean-nam-2020-129027.html