Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), cùng hàng loạt các FTA song phương khác, từ đó mở ra cơ hội rất lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Ông Shinji Hirai - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP HCM: Việt Nam là điểm đến phổ biến của doanh nghiệp Nhật Bản

Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng, luôn là điểm đến quan trọng trong chính sách đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản. Hiện tại, các doanh nghiệp của Nhật Bản đang đầu tư vào khoảng 12 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Theo một nghiên cứu của Jetro đối với khu vực châu Á, đa phần doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, khi muốn mở rộng đầu tư thì Việt Nam luôn là điểm đến phổ biến, đứng vị trí thứ 2.

Nguồn FDI đầu tư vào Việt Nam rất đa dạng, không chỉ đến từ một vài nước. Theo số liệu của Jetro, năm 2018, Nhật Bản đứng thứ 2 trong các dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, đứng sau Hàn Quốc. Trong đó, TP HCM được xem là trung tâm các doanh nghiệp FDI của Nhật Bản tại Việt Nam, tiếp đến là Bình Dương và Đồng Nai... Trong số các dự án FDI mà Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam hiện nay, khu vực sản xuất chiếm tỷ lệ đầu tư khá cao. Thống kê của Jetro chỉ rõ, trong năm 2018, ngành sản xuất chiếm 28% vồn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam, ngành bán lẻ và các trung tâm phân phối chiếm 22%. Doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ tập trung vào sản xuất mà tập trung phát triển vào khu vực bán lẻ do lực lượng tiêu dùng đang phát triển.

Khu vực FDI có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta

Khu vực FDI có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta

Trong 9 tháng năm 2019, vốn FDI thực hiện ước đạt 14,22 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay cả nước có 29.854 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 357,65 tỉ USD, bình quân tăng trên 20%/năm, đây cũng là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mức độ tăng trưởng chung của các quốc gia Đông Nam Á trung bình là 4,8-4,9%. Nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2019, kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,85% trong những năm tới.

Mặc dù môi trường đầu tư của Việt Nam được đánh giá khá cao, tuy nhiên vẫn còn không ít tồn tại, khuyết điểm cần khắc phục và hoàn thiện. Ví dụ như đối với lĩnh vực logistics. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của logistics vì đây là “cánh tay đắc lực” của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhưng doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, chi phí cho hoạt động này. Đơn cử, doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất tại TP HCM đôi khi sẽ mất 2-3 giờ để di chuyển đến một tỉnh khác. Tốn thời gian và chi phí cho logistics làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Tôi mong rằng, Việt Nam cần tìm giải pháp cải thiện vấn đề logistics.

Ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam: Việt Nam là thị trường đầu tư tốt

20 năm trước, doanh nghiệp Đức đầu tư chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Nhưng thời gian gần đây, doanh nghiệp Đức muốn mở rộng đầu tư vào một số nước trong khu vực châu Á. Doanh nghiệp Đức nhận thấy đầu tư tại khu vực ASEAN cũng có không ít rủi ro, thế nhưng, họ lựa chọn Thái Lan và Việt Nam là thị trường đầu tư tốt.

Với nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội trong năm qua, Việt Nam nhận được nhiều niềm tin từ phía doanh nghiệp Đức. Vì vậy, có đến 55% doanh nghiệp Đức có kế hoạch nâng cao mức đầu tư tại Việt Nam, cao hơn tỷ lệ 44% của toàn Đông Nam Á. So với các nước trong khu vực, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Đức và trở thành điểm thu hút đầu tư tại khu vực. 59% nhà đầu tư Đức tại Việt Nam dự định sẽ tuyển thêm nhân sự trong năm 2019 và 2020, tăng so với tỷ lệ 56% của năm 2018.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng thông thoáng hơn, tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Song song với những điều kiện đó, các FTA song phương, đa phương đang mang đến cho Việt Nam nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu...

Lợi thế về phát triển kinh tế là yếu tố hấp dẫn đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố duy nhất mà còn những yếu tố liên quan đến việc Việt Nam là thành viên của các hiệp định thương mại tự do lớn như CPTPP, EVFTA, AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN). Cùng với Singapore, Việt Nam là nước tạo ra ít rào cản nhất cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam tỏ rõ thiện chí trong việc hỗ trợ và tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp Đức coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn hàng đầu trong khu vực ASEAN.

Tôi được biết, tại Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp Đức đang đầu tư. Đa số doanh nghiệp của Đức là nhỏ và vừa, không có những “ông lớn” mang các khoản đầu tư hàng tỉ USD tới, thế nhưng bù lại, mỗi khoản đầu tư có thể kéo dài 15-20 năm. Doanh nghiệp Đức rất muốn đầu tư vào Việt Nam, đồng thời mong nhận được sự tham gia sâu của doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam định hướng thu hút vốn FDI chất lượng cao

Việt Nam định hướng thu hút vốn FDI chất lượng cao

Tuy nhiên, những yếu tố như thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao và chi phí nhân sự tăng cao hay các rào cản thương mại đang gây lo ngại cho doanh nghiệp Đức trong trung và dài hạn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Đức kỳ vọng EVFTA sẽ hoàn thiện hóa khung cơ sở pháp lý và chính sách kinh tế tại Việt Nam, từ đó tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Đức đầu tư tại Việt Nam.

Bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam: Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn

Các thỏa thuận trong FTA của Việt Nam với nhiều thị trường lớn góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam. Đây chính là lý do mà doanh nghiệp Hoa Kỳ đang tăng cường tổ chức các đợt giao thương, kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài vì lợi thế về nhân công giá rẻ cùng với đội ngũ lao động được chuẩn hóa về tay nghề. Chúng ta thấy rõ, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng thông thoáng hơn, tạo nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Song song với những điều kiện đó, các FTA song phương, đa phương đang mang đến cho Việt Nam nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu...

Để thu hút tốt nguồn vốn FDI, ngoài vấn đề hỗ trợ môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến - chế tạo…

Một số doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tốt cả về kinh tế lẫn du lịch. Đi cùng với sự phát triển này thì nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày càng tăng. Đây chính là cơ hội cho nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng và các nhà đầu tư khác nói chung.

Sắp tới, Amcham tiếp tục phối hợp tích cực, tăng cường thảo luận để tìm cách giúp Việt Nam vượt qua một số điểm nghẽn của thu hút đầu tư, cụ thể, tháo gỡ những khó khăn về hạ tầng, logistics... Amcham sẽ hỗ trợ minh bạch hóa trong đầu tư để đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư hiệu quả cho doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Ông Nicolas Audier - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam): EVFTA tạo lực đẩy doanh nghiệp châu Âu đến Việt Nam

EVFTA sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ hơn để các doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu đến Việt Nam. Với việc ký kết chính thức của EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với EU (EVIPA) chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp từ châu Âu đến Việt Nam. Bởi họ hiểu đã có một công cụ pháp lý vững chắc hỗ trợ khi họ đến đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam đang là điểm đến của các cơ sở sản xuất, các thương hiệu lớn nhất thế giới. Các công ty đa quốc gia cũng từng có những bước tuần tự khi vào thị trường Việt Nam và họ cần thời gian để mọi thứ thẩm thấu.

Sau khi ký kết, để doanh nghiệp được tiếp cận các thủ tục đầu tư đơn giản và đúng cam kết EVFTA, EuroCham sẽ có những hướng dẫn cụ thể cho các công ty muốn đến làm ăn, đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố và mỗi địa phương có một đặc thù riêng khác nhau. Do đó, thời gian tới, Eurocham sẽ tiếp tục cung cấp các thông tin về thị trường, về những cam kết trong EVFTA để có cách hiểu thống nhất. Việt Nam cần cố gắng đơn giản hóa các thủ tục để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là thu hút được các doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Âu.

Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao

Là một trong những tỉnh thu hút tốt FDI, Bình Dương mong muốn thời gian tới tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, Bình Dương đã và đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Những năm qua, Bình Dương đã đầu tư các quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn liên tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong việc cấp phép, thuê đất và triển khai đầu tư... Tất cả các khâu đó đều được triển khai nhanh chóng, nên được nhà đầu tư tin tưởng.

Đặc biệt, Bình Dương thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Với doanh nghiệp nước ngoài, chúng tôi còn tổ chức đối thoại riêng theo từng nước, từng khối, mỗi lần tiếp xúc 200-300 doanh nghiệp, qua đó giải quyết nhanh những vấn đề mà doanh nghiệp còn vướng mắc. Đánh giá cao sự cố gắng của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đến làm ăn trước đó đã giới thiệu bạn bè và các đối tác trong hệ thống của họ đầu tư vào Bình Dương.

Để thu hút tốt nguồn vốn FDI, theo tôi, ngoài vấn đề hỗ trợ môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến - chế tạo; phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung - cầu nhân lực các tỉnh, thành phố với khu vực và thế giới.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỉ USD vào Việt Nam, tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là 1 trong 10 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký lũy kế đến năm 2018 đạt 9,3 tỉ USD. Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn đầu tư tại Việt Nam như Intel, Coca Cola, FedEx...

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, lĩnh vực thu hút sự quan tâm và có nhiều dự án đầu tư của Hoa Kỳ là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học công nghệ, thông tin - truyền thông. Tuy nhiên, xét về quy mô vốn đầu tư, các lĩnh vực du lịch và dịch vụ ăn uống đang thu hút vốn đầu tư của Hoa Kỳ nhiều nhất. Thị trường ghi nhận sự có mặt của những chuỗi ẩm thực lớn của Mỹ đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian qua như: KFC, Starbucks, McDonald’s... Riêng lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng có các dự án đầu tư quy mô lớn từ 2-4 tỉ USD.

Thanh Hồ

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/viet-nam-diem-den-hap-dan-cua-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-554196.html