Việt Nam - Đối tác quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ và nước Pháp

Việt Nam là một thành viên quan trọng trong Cộng đồng Pháp ngữ (OIF) cũng như là đối tác quan trọng của Cộng hòa Pháp. Do đó, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa rất quan trọng đối với hai nước và OIF. Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Quân đội nhân dân.

Phóng viên (PV): Xin Đại sứ có thể chia sẻ về chủ đề và nội dung chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ diễn ra tại Pháp lần này?

Đại sứ Olivier Brochet: Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 được tổ chức tại hai địa danh tiêu biểu của nước Pháp là Trung tâm tiếng Pháp quốc tế tại lâu đài Villers-Cotterêts và Cung điện lớn (Grand Palais) ở Paris.

Với chủ đề “Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”, Hội nghị lần này sẽ là dịp để các nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước thành viên cùng nhau trao đổi, bàn bạc, giải quyết những thách thức lớn đối với quá trình phát triển và đổi mới. Phần lớn nội dung các cuộc họp sẽ tập trung vào vấn đề này, cả về thách thức và cơ hội của sáng tạo, đổi mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh đó, cũng giống như các hội nghị cấp cao khác, hội nghị lần này cũng sẽ đề cập đến tình hình quốc tế cùng quan tâm.

 Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời phỏng vấn báo chí.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet trả lời phỏng vấn báo chí.

PV: Đại sứ đánh giá thế nào vai trò của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ và những cơ hội mà cộng đồng này mang lại cho Việt Nam?

Đại sứ Olivier Brochet: Việt Nam là một thành viên quan trọng trong Cộng đồng Pháp ngữ. Trước hết, Việt Nam là đất nước đông dân, với hơn 100 triệu người. Mặc dù số người nói tiếng Pháp ở Việt Nam không được nhiều như cách đây 20-30 năm nhưng Việt Nam có chính sách ủng hộ cho việc quảng bá giảng dạy tiếng Pháp. Việc học tiếng Pháp tạo cơ hội cho các bạn trẻ Việt Nam tiếp cận với những chương trình học bằng tiếng Pháp ở tại Pháp hoặc các nước nói tiếng Pháp khác.

Là thành viên của OIF, đương nhiên Việt Nam cũng nhận được lợi ích kinh tế mà OIF đem lại. OIF có 88 quốc gia và chính phủ thành viên và quan sát viên. Qua đó, Việt Nam có thể tiếp cận thị trường quan trọng này với hàng trăm triệu người tiêu dùng, có cơ hội thu hút đầu tư, xuất khẩu nhiều hơn, hay đơn thuần là có quan hệ hợp tác thực chất với các nước thành viên của OIF.

Chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19. Dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu tại sự kiện này. Bên lề hội nghị, sẽ có nhiều sự kiện mà Việt Nam tham dự cùng các nước thành viên khác như “Làng Pháp ngữ” với những gian hàng giới thiệu sự đa dạng văn hóa của cộng đồng Pháp ngữ hay Triển lãm FrancoTech về doanh nghiệp và thị trường nói tiếng Pháp.

Tôi tin rằng, lợi ích mà Việt Nam có được từ cộng đồng Pháp ngữ có thể được gói gọn trong chính chủ đề của chính Hội nghị thượng đỉnh lần này, đó là “Sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp bằng tiếng Pháp”.

PV: Ngay sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Đại sứ có thể chia sẻ nội dung sẽ được tập trung thảo luận trong các cuộc gặp của các nhà lãnh đạo?.

Đại sứ Olivier Brochet: Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là dịp để hai nước tiếp tục những nỗ lực chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương với những đường hướng hợp tác mới và trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.

Trong lĩnh vực phát triển bền vững, Việt Nam và Pháp có thể tăng cường hợp tác về năng lượng và giao thông, đặc biệt là vận tải đường sắt. Những hoạt động hợp tác về đổi mới, sáng tạo rất triển vọng và thiết thực đối với Việt Nam bởi nhiều doanh nghiệp Pháp có thể chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ với đối tác Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên.

Dự kiến tại cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao Pháp và Việt Nam, hai nước sẽ ký kết một hiệp định liên chính phủ trong lĩnh vực giáo dục. Chúng tôi hy vọng rằng, văn kiện này sẽ giúp phía Pháp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong việc tăng cường đào tạo tiếng Pháp tại các trường học Việt Nam, qua đó nâng cao chất lượng và số lượng những người nói tiếng Pháp tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hai nước cũng sẽ thúc đẩy giao lưu nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ. Hiện nay có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn sang Pháp du học và cũng có nhiều sinh viên Pháp sang học trao đổi, một hoặc hai học kỳ, tại các trường đại học Việt Nam có liên kết với các đối tác Pháp. Những hoạt động giao lưu này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

Hợp tác về văn hóa cũng sẽ là một trong những nội dung được thảo luận. Chính phủ Việt Nam xác định phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo là một trong những mục tiêu quan trọng để tạo đà tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng kinh tế. Với thế mạnh trong lĩnh vực này, Pháp có thể giúp Việt Nam trong các dự án liên quan…

Ngoài ra, hai nước có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác thông qua mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, đối tác công hoặc trong khuôn khổ hợp tác phi tập trung.

*PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

HÀ PHƯƠNG – PHƯƠNG LINH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/viet-nam-doi-tac-quan-trong-cua-cong-dong-phap-ngu-va-nuoc-phap-797247