Việt Nam - đối tác ưu tiên hàng đầu trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo hai nước gìn giữ, vun đắp và liên tục phát triển.
Tháng 7/2017, hai nước đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác. Tháng 9/2016, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Việt Nam, hai bên chính thức đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới - quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chiều 3/9/2016. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Ấn Độ - đối tác quan trọng của Việt Nam
Hiện nay, Ấn Độ đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi đó Việt Nam cũng là đối tác ưu tiên hàng đầu trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm, năm 2013 đạt 5,23 tỷ USD, năm 2014 đạt 5,6 tỷ USD và 9 tháng đầu năm 2016 đạt 3,9 tỷ USD. Hai bên đang hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020.
Ấn Độ đứng thứ 28 trong số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và hiện có 118 dự án đầu tư của Ấn Độ còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 590 triệu USD.
Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu có bước chuyển dịch tích cực từ hàng nông sản nguyên liệu phục vụ sản xuất sang sản phẩm hàng công nghiệp, hàng tiêu dùng có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao. Các mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ có kim ngạch lớn hiện nay gồm điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, cao su, hóa chất, cà phê, hạt tiêu, sợi, sản phẩm kim loại, gỗ, giày dép, hải sản, dệt may… Cơ cấu hàng nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất và chăn nuôi trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngày càng có nhiều hàng hóa của Việt Nam có giá trị gia tăng cao được xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ như điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo, phôi thép… bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như: Hạt tiêu, cao su, giày dép… góp phần từng bước giảm chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành cho rằng: “Trước hết cả hai bên đều cần tích cực hơn trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quảng bá, tuyên truyền, chia sẻ thông tin, đặc biệt là những thông tin cập nhật về tình hình mỗi nước, các cơ hội trao đổi hợp tác, đầu tư kinh doanh, du lịch, văn hóa, tâm linh… Việt Nam thực sự coi Ấn Độ là đối tác quan trọng và chủ động hơn trong việc khai thác tiềm năng hợp tác với Ấn Độ".
Đẩy mạnh quan hệ hợp tác
Với vị trí trung tâm trong khu vực ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công, Việt Nam là đối tác quan trọng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ với ASEAN. Với dân số trên 1,2 tỷ dân, sức mua lớn, Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nền kinh tế hai nước cũng có nhiều điểm bổ sung cho nhau. Có thể thấy, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Ấn Độ vẫn còn rất lớn và mối quan hệ đó có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cả hai nước đều đang đẩy mạnh công cuộc cải cách, mở cửa, hội nhập khu vực và quốc tế, đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian vừa qua. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để hai nước đẩy mạnh hơn quan hệ hợp tác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, thu hút đầu tư, trao đổi kinh nghiệm cải cách, đổi mới, cùng nhau phát triển. Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Ấn Độ có nhiều thế mạnh trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp chế tạo, dược phẩm… trong khi đây là những lĩnh vực mà Việt Nam rất cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài. “Môi trường đầu tư của Việt Nam đang tiếp tục được hoàn thiện sẽ tạo ra một sức hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư từ Ấn Độ trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thị trường Việt Nam được Ấn độ xác định là một trong những thị trường cần được đẩy mạnh phát triển theo chương trình mặt hàng trọng điểm của nước này. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm như dược phẩm, sợi tổng hợp, chất dẻo, sản phẩm có giá trị gia tăng cao sẽ được hưởng các ưu đãi. Do đó, các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm của mình, góp phần gia tăng trao đổi thương mại. Với cơ cấu kinh tế đa dạng, sản xuất quy mô lớn, Ấn Độ là một trong những trung tâm cung ứng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có chất lượng của thế giới. Trong khi đó, đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Đây là một trong những cơ sở để Việt Nam gia tăng trao đổi thương mại với quốc gia Nam Á này.
Việt Nam tiếp tục là điểm hấp dẫn đầu tư
Sự nổi lên nhanh chóng của Ấn Độ và việc xây dựng tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong tương lai. PGS.TS Hoàng Thị Bích Loan, Viện Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Ấn Độ đang theo đuổi Chính sách hướng Đông với mục tiêu thiết lập những mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc và toàn diện với các nước láng giềng phía Đông. Trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ, Việt Nam được xem là một trong những trụ cột quan trọng bậc nhất.
Chỉ riêng trong năm 2015, Ấn Độ đã tổ chức 25 đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam khảo sát thị trường, xúc tiến cơ hội đầu tư. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp Ấn Độ đối với Việt Nam. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề về cung cấp thông tin, tiếp cận thị trường, hạn chế và xóa bỏ các rào cản thương mại; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng, dệt may. Bên cạnh đó, các vấn đề về công nghệ, giáo dục, các mặt hàng nông, thủy sản, hàng may mặc là các mặt hàng hứa hẹn nhiều triển vọng trong chiến lược hợp tác của Việt Nam và Ấn Độ.
Cũng theo PGS.TS Hoàng Thị Bích Loan, hiện có rất nhiều nhà đầu tư Ấn Độ đã đến Việt Nam để nghiên cứu phát triển công nghệ phần mềm. Ấn Độ cũng là một trong những nước cung cấp dược phẩm hàng đầu cho Việt Nam. Mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã, đang và sẽ góp phần phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của mỗi nước trên trường quốc tế. Việc Ấn Độ chính thức công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp hai bên, góp phần đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Ấn Độ. Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Nền tảng lâu đời của mối quan hệ truyền thống Việt Nam - Ấn Độ, Chính sách hướng Đông của Ấn Độ cũng như công cuộc đổi mới của Việt Nam là những yếu tố thuận lợi cho việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước. Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư trên các lĩnh vực dầu khí, thép, khoáng sản, công nghệ thông tin... cũng như là điểm trung chuyển hàng hóa trong khu vực Đông Nam Á. Những năm gần đây, Việt Nam-Ấn Độ có nhiều hoạt động phát triển mạnh mẽ, toàn diện với mục tiêu đưa quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia lên một tầm cao mới, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước.