Việt Nam đón hơn 3,6 triệu lượt khách quốc tế sau 4 tháng
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 3,6 triệu lượt người, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 4, Việt Nam đón khoảng 984.000 lượt khách quốc tế, tăng 9,9% so với tháng trước và gấp 9,7 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 3,6 triệu lượt người, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 61,7% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong tổng số hơn 3,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 4 tháng đầu năm, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 3,2 triệu lượt người (chiếm 88,7% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước), bằng đường bộ đạt 372.900 lượt người (chiếm 10,1% và gấp 17 lần), bằng đường biển đạt 44.000 lượt người (chiếm 1,2% và gấp 688 lần).
Nếu phân theo vùng lãnh thổ, khách quốc tế đến từ châu Á chiếm số lượng áp đảo với hơn 2,6 triệu lượt. Kế đến là châu Âu 522.000 lượt khách, châu Mỹ 337.000 lượt, còn lại là châu Úc và châu Phi.
Được biết, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Nếu so với các quốc gia trong khu vực thì đây là con số khá khiêm tốn, nhưng lại là mục tiêu đầy thách thức.
Tại tọa đàm "Hiến kế thu hút khách quốc tế" diễn ra mới đây, các diễn giả đến từ doanh nghiệp, tổ chức du lịch, đại diện cơ quan lập pháp, các bộ ngành, chuyên gia quốc tế đã chia sẻ nhiều thông tin về cách làm mới trong thu hút khách quốc tế.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường bên cạnh thu hút khách từ những thị trường truyền thống. Tiến sĩ cũng cho rằng cần cải thiện chất lượng dịch vụ, song song với việc nâng cao chất lượng nhân lực du lịch Việt Nam.
Theo ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), một trong những khó khăn trong việc thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam là chính sách thị thực, thủ tục xuất nhập cảnh còn nhiều hạn chế.
Thời gian chờ đợi lâu tại các điểm kiểm tra xuất nhập cảnh ở các sân bay quốc tế, đặc biệt là TPHCM và Hà Nội. Điều này có thể sinh ra sự bất tiện, nhất là với các gia đình có người già, trẻ em hoặc doanh nhân có lịch trình dày đặc. Do vậy, ông Martin Koerner kiến nghị Việt Nam nên bổ sung các làn di chuyển đặc biệt cho các nhóm hành khách này, cũng như tăng số lượng nhân viên xuất nhập cảnh và máy quét.
Chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan, bà Nareekarn Srichainak, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, cho biết ngành du lịch Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và cảnh sắc thiên nhiên. Chính vì vậy, Việt Nam có thể học hỏi bài học kinh nghiệm thu hút thành công khách quốc tế của Thái Lan để áp dụng cho ngành du lịch nước nhà.
Về các yếu tố giúp du lịch Thái Lan thành công thu hút khách quốc tế, bà Nareekarn Srichainak, chia sẻ Thái Lan xây dựng môi trường chính sách kiến tạo, thiết lập trung tâm phản ứng y tế, phân cấp phân quyền địa phương nhằm ứng phó các vấn đề liên quan đến dịch bệnh; nâng cấp dịch vụ trong nước trong thời gian chờ khách du lịch nước ngoài quay lại. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng có những chương trình hợp tác quốc tế như chương trình “bong bóng” du lịch đường không với Ấn Độ.
Cũng theo bà Nareekarn Srichainak, sau khi Thái Lan bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế, cơ quan quản lý du lịch Thái Lan phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Phuket tổ chức giới thiệu điểm đến thông qua các video clip trên mạng xã hội, chuyến bay quốc tế. Đây là mô hình mà ngành du lịch Thái Lan đã thu được kết quả đáng khích lệ mà Việt Nam nên tham khảo.