Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm về khả năng tự cường của chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á
Ngày 22/6, Việt Nam và Australia đã đồng chủ trì Tọa đàm 'Tính dễ tổn thương và khả năng tự cường của chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á.
Trong vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam và Australia đã đồng chủ trì Tọa đàm “Tính dễ tổn thương và khả năng tự cường của chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á” ( theo hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Paris).
Tham dự Tọa đàm có Đại sứ Australia tại OECD Brendan Pearson, các Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện của các nước ASEAN và OECD tại Pháp, các chuyên gia OECD, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu tại khu vực.
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp và Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Nguyễn Minh Hằng tham dự và đồng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng đánh giá cao chủ đề Tọa đàm, nhấn mạnh các thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Tác động của đại dịch Covid-19 và năm cuộc khủng hoảng về lương thực, năng lượng, nợ công, lạm phát và y tế trong hai năm nay đã gia tăng áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị tổn thương do các cuộc chiến tranh thương mại, chủ nghĩa dân túy và xu hướng bảo hộ trước đó.
Trong bối cảnh trên, các nước Đông Nam Á đã nhanh chóng có chính sách phản ứng kịp thời, cả ở cấp độ khu vực và cấp độ quốc gia, nhằm đa dạng hóa thị trường, tăng cường kết nối và hợp tác kinh tế trong khu vực và với bên ngoài, trong đó các nước OECD là đối tác quan trọng.
Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, với nền tảng của khu vực kinh tế lớn thứ 5 thế giới, Đông Nam Á cũng có thể tận dụng tốt những cơ hội từ các xu hướng thương mại điện tử, chuyển đổi số và kinh tế xanh, phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng của khu vực để củng cố chuỗi cung ứng và trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng tình với nhận định của Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng, các diễn giả đánh giá cao vai trò quan trọng của Đông Nam Á trong việc bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực điện tử, hóa chất, nông sản, các sản phẩm công nghệ cao…
Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh các khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là thiếu năng lực quản trị rủi ro, áp lực tăng giá nguyên liệu đầu vào và sản xuất, tăng chi phí vận chuyển, lao động chi phí cao, thiếu hụt về số lượng và không đáp ứng chất lượng, cũng như khả năng tiếp cận tài chính hạn chế.
Các đại biểu cũng chia sẻ và đưa ra các thảo luận sâu sắc về nhiều vấn đề liên quan, như xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, vấn đề thuế toàn cầu, tận dụng lợi ích của các hiệp định thương mại tự do cho thu hút đầu tư và đẩy mạnh thương mại…, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để tăng cường hợp tác giữa OECD và các nước Đông Nam Á, trong việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, tự cường và nâng cao vai trò, vị thế khu vực trong chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu.
Tọa đàm là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Chương trình Đông Nam Á năm 2022 nhằm thảo luận các chủ đề quan tâm hướng tới Diễn đàn kinh tế khu vực dự kiến tổ chức tại Việt Nam vào cuối tháng 9/2022.